Khối tàn sản kếch xù 40 tỷ đô la của vua Thái Lan đang khiến người dân xứ chùa vàng bức xúc

14/10/2020 20:45:23

Cục Tài sản Hoàng gia Thái Lan thông báo cho biết khối tài sản ước tính trị giá hơn 40 tỷ USD, do CPB thay mặt hoàng gia và đất nước sở hữu hơn 80 năm qua, "giờ đây được đứng tên Quốc vương" và phải chịu thuế.

Ngày 16/6/2018, Cục Tài sản Hoàng gia Thái Lan đột ngột thông báo đã chuyển toàn bộ khối tài sản trị giá hơn 40 tỷ USD cho Vua Maha Vajiralongkorn.

"Toàn bộ tài sản đều được chuyển về dưới quyền sở hữu của Quốc vương, để Quốc vương có thể toàn quyền quản lý và phân bổ", Cục Tài sản Hoàng gia (CPB) khi đó thông báo trên trang web, viện dẫn luật tài sản hoàng gia được thông qua năm trước đó.

Ngoài các bất động sản đắc địa ở trung tâm thủ đô Bangkok, CPB còn sở hữu số cổ phần đáng kể trong Siam Cement Group (SCG), tập đoàn xi măng lớn nhất Thái Lan, và Ngân hàng Thương mại Siam. Việc chuyển quyền sở hữu số tài sản từ CPB sang cá nhân Vua Vajiralongkorn giúp ông trở thành một trong những vị vua giàu nhất thế giới.

Khối tàn sản kếch xù 40 tỷ đô la của vua Thái Lan đang khiến người dân xứ chùa vàng bức xúc

Do bình luận về hoàng gia Thái Lan bị kiểm soát nghiêm ngặt, với những người phát ngôn tiêu cực về nhà vua có nguy cơ đối diện án 15 năm tù vì tội khi quân, quá trình chuyển giao quyền sở hữu tài sản hoàng gia khi đó gần như không được dư luận nước này nhắc tới.

Tuy nhiên, hai năm sau thông báo của CPB, giữa làn sóng biểu tình đòi cải cách chế độ quân chủ lan khắp cả nước, người Thái đang phá vỡ sự im lặng trước khối tài sản khổng lồ của Quốc vương 68 tuổi, cũng như khoản ngân sách công lớn mà các tổ chức hoàng gia được hưởng. Các sinh viên biểu tình đặt câu hỏi tại sao công quỹ lại được trao cho một Quốc vương dành nhiều thời gian ở Đức hơn là Thái Lan, vấn đề mà truyền thông nước này hầu như tránh đề cập.

Những tiền lệ dường như đang bị phá vỡ tại đất nước mà hoàng gia từng được coi là "bất khả xâm phạm". Anon Nampa, một trong những thủ lĩnh biểu tình, cho rằng ngân sách dành cho hoàng gia quá lớn và "gia tăng một cách không cần thiết".

Nhiều người Thái, ngay cả những người không hài lòng với chính quyền của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha, cho rằng các sinh viên đang "đùa với lửa" khi kêu gọi kiềm chế quyền lực hoàng gia. Đám đông biểu tình được cho là đang tiến vào "vùng nguy hiểm" tại một quốc gia có lịch sử đảo chính và xung đột chính trị đẫm máu.

Khối tàn sản kếch xù 40 tỷ đô la của vua Thái Lan đang khiến người dân xứ chùa vàng bức xúc - 1

Dù dành phần lớn thời gian ở Đức, Vua Vajiralongkorn được đánh giá đã thực hiện những bước đi vững chắc nhằm củng cố quyền lực, cũng như tài sản hoàng gia, kể từ lúc tiếp quản ngai vàng sau khi vua cha Bhumibol Adulyadej qua đời năm 2016.

Giá trị tài sản của Vua Vajiralongkorn phần lớn chỉ là ước tính, do không có bản kiểm kê đầy đủ nào được công khai. Lần gần đây nhất CPB công bố báo cáo thường niên là năm 2017, bao gồm những dự án đầu tư như Làng Langsuan, một bất động sản xa xỉ giúp phát triển ngành bán lẻ ở khu thương mại trung tâm của Bangkok, cùng các dự án công và từ thiện.

Tài sản trong các doanh nghiệp của Quốc vương dễ định giá hơn. Ông sở hữu 23,4% cổ phần trong Ngân hàng Thương mại Siam, tương đương 1,7 tỷ USD, cùng 33,6% cổ phần trong tập đoàn SCG, trị giá 4,5 tỷ USD. Tuy nhiên, tài sản lớn nhất của CPB là bất động sản, chủ yếu ở Bangkok.

Nếu khối tài sản này thuộc về một cá nhân, người đó sẽ đứng thứ 6 trong danh sách những tỷ phú giàu nhất thế giới của Forbes.

Đức Minh (nguoiduatin.vn)

Nổi bật