“Nếu mùa khô kéo dài, 2015 sẽ ghi nhận hiện tượng khói mù nghiêm trọng nhất lịch sử", một chuyên gia nhận định về tình trạng mù khô ở một số nước Đông Nam Á thời gian qua.
Khói mù bao phủ phần lớn diện tích Đông Nam Á nhìn từ ảnh vệ tinh. Ảnh: NASA |
Trong nhiều năm qua, khói mù là tâm điểm của cuộc tranh luận ngoại giao giữa Indonesia và Singapore, theo BBC. Đảo quốc sư tử đổ lỗi cho Indonesia khi đốt rừng trái phép ở đảo Sumatra, Kalimantan và Borneo vào mùa khô để lấy đất trồng cây nhằm khai thác dầu cọ và làm giấy. Song phía Indonesia phản bác rằng việc đổ lỗi cho mình họ đốt rừng là không công bằng. Họ chỉ ra tên một số công ty Singapore cũng có một phần trách nhiệm trong việc khiến bầu không khí khu vực ô nhiễm thời gian qua.
Mù khô ở các nước Đông Nam Á năm nay diễn biến phức tạp và trở nên nghiêm trọng hơn do tác động của hiện tượng thời tiết El Nino.
Xáo trộn cuộc sống người dân
Chấm đỏ biểu thị các đám cháy rừng tại Indonesia - nguyên nhân chủ yếu dẫn tới hiện tượng khói mù ở một số nước Đông Nam Á hàng năm. Ảnh: NASA |
Theo Cơ quan Giảm thiểu Thiên tai Quốc gia (BNPB), ít nhất 25,6 triệu người hít phải khói mù và hàng chục nghìn người điều trị nhiễm khuẩn đường hô hấp.
Giới chức tỉnh Riau và Trung Kalimantan đã ban bố tình trạng khẩn cấp. Hơn 135.000 người Indonesia được cho là nhiễm các bệnh đường hô hấp. Trường học ở tỉnh Riau buộc phải đóng cửa và chỉ mở trở lại khi tình hình được cải thiện.
“Khói mù đã diễn ra hơn hai tháng. Tôi có thể ngửi thấy mùi khói. Cảm giác chóng mặt, cay mắt và khó thở xuất hiện ngay khi tôi ở trong nhà”, người dân Indonesia Dhany Pramata, 23 tuổi, nói với BBC.
Indonesia đã triển khai gần 21.000 nhân viên dập các đám cháy rừng ở các đảo phía bắc nước này để giảm tác động của hiện tượng khói mù.
Trong khi đó, tại quốc gia láng giềng Malaysia, người dân tại thủ đô Kuala Lumpur, 3 bang lân cận và thành phố Putrajaya phải đeo khẩu trang khi ra đường. Các chuyến bay từ phi trường quốc tế ở thủ đô bị đình trệ do tầm nhìn hạn chế.
Tòa tháp đôi Petronas ở thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia chìm trong màn khói. |
Chỉ số ô nhiễm không khí (API) ở Malaysia đã lên tới 161. Đây là mức "không an toàn cho sức khỏe".
Còn tại Singapore, theo Cục Môi trường Quốc gia (NEA), chỉ số tiêu chuẩn ô nhiễm (PSI) hôm 25/9 đạt 341 - mức cao nhất kể từ đầu năm 2015 đến nay. PSI lớn hơn 300 là mức "nguy hiểm", theo Straits Times.
Hiện tượng ô nhiễm không khí do khói mù cũng đang ảnh hưởng tới Thái Lan. Theo Bangkok Post, tại huyện Hat Yai của tỉnh Songkhla, nồng độ bụi nhỏ trong không khí ngày 5/10 lên đến 173 microgram mỗi mét khối - vượt ngưỡng an toàn và là mức cao nhất kể từ đầu năm đến nay.
Hiện tượng mù khô cũng xuất hiện tại TP HCM và các tỉnh lân cận như Cần Thơ, Sóc Trăng, Cà Mau… của Việt Nam trong những ngày qua. Theo nhận định của các chuyên gia, nguyên nhân của hiện tượng này có thể do ô nhiễm từ vụ cháy rừng ở Indonesia. Mù khô đã ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt và sức khỏe của người dân. Theo dự báo, tình trạng này sẽ còn kéo dài trong vài ngày tới.
Giải pháp tình thế
Cảnh sát và lính cứu hỏa Indonesia dập tắt một đám cháy tại tỉnh Trung Kalimantan trên đảo Borneo. |
Khói mù cũng là chủ đề thảo luận nhiều năm qua tại cuộc họp các nước ASEAN nhưng cho tới nay, vẫn chưa có một giải pháp cụ thể nào được đưa ra.
Hôm 4/10, Thủ tướng Najib Razak cho rằng, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa Malaysia, Indonesia và Singapore để đề ra giải pháp hiệu quả hơn, có thể xem xét ký kết thỏa thuận 3 bên về chống khói mù. Nếu không có sự hợp tác đó, vấn đề sẽ tái diễn hàng năm.
Chính phủ Indonesia vừa công bố danh sách 240 nghi phạm, gồm các công ty và cá nhân, bị cáo buộc đốt rừng, gây ra các vụ cháy nghiêm trọng và thảm họa khói mù ở Sumatra và Kalimantan. Họ chủ trương xử nghiêm những đơn vị này.
Trong khi đó, theo các chuyên gia, tình trạng sương mù có thể trở nên nghiêm trọng hơn trong thời gian tới. Các nhà khoa học tại Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho rằng, các đám cháy ở Indonesia sẽ còn lớn hơn sự kiện năm 1997 – 1998. Khi đó, tình trạng đốt rừng ở Indonesia được đánh giá là “thảm họa toàn cầu”.
Robert Field, nhà khoa học của Đại học Columbia (Mỹ) thuộc Viện nghiên cứu Không gian Goddard, cho biết: "Tình trạng của Singapore và phía Đông Nam đảo Sumatra khá giống với sự kiện năm 1997. Nếu mùa khô kéo dài, 2015 sẽ ghi nhận hiện tượng khói mù nghiêm trọng nhất lịch sử".