Chai Cheng - một cựu tiếp viên hàng không - đến tận giờ phút này vẫn còn gặp ác mộng về khoảnh khắc đam mê ngắn ngủi khiến anh mất đi tất cả mọi thứ.
Đó là một ngày tháng 10/2019. Một đoạn video có cảnh Chai hôn một nam phi công đồng nghiệp tại China Southern - hãng hàng không lớn nhất Trung Quốc hiện nay - đã lộ ra. Cả hai khi đó không trong ca làm, và nụ hôn ấy diễn ra trong thang máy của một tòa chung cư.
Đoạn video lan truyền nhanh chóng trên mạng, thu hút hàng triệu lượt xem. Còn Chai, anh bị công ty đình chỉ bay, rồi sa thải sau đó không lâu. Và giờ, anh đang đâm đơn kiện công ty cũ vì mất thu nhập, một vụ kiện được xem là phép thử đối với nạn phân biệt đối xử nơi công sở tại Trung Quốc.
Nụ hôn đánh mất tất cả
Chai, chàng trai 29 tuổi cho biết, sự kiện ấy đã khiến anh mất tất cả - từ sự nghiệp cho tới đời sống cá nhân. Anh mất đi công việc mơ ước, vật lộn với một khởi đầu mới, khổ sở tìm kiếm một mối quan hệ khác. "Đôi lúc tôi ước mình có thể quay lại trước thời điểm đó, để có thể trở thành một tiếp viên hàng không bình thường," - Chai thổ lộ.
Trên thực tế, quan hệ đồng tính ở Trung Quốc không vi phạm pháp luật, và được chính thức loại ra khỏi danh sách "bệnh tâm lý" kể từ năm 2001. Tuy nhiên, các chuyên gia và các nhà hoạt động cho biết những người thuộc giới LGBT vẫn đang nhận phải sự phân biệt đối xử nặng nề.
Với Chai, anh đã giữ bí mật chuyện này trong suốt 5 năm làm tiếp viên, vì sợ rằng sự nghiệp sẽ bị ảnh hưởng. Nhưng sau khi đoạn video lộ ra, quản lý nói với Chai rằng việc anh đồng tính là "đi ngược lại giá trị cốt lõi của xã hội", và yêu cầu anh giữ im lặng. Chai đã nghe lời, nhưng đến tháng 4/2020, quản lý bảo rằng hãng sẽ không gia hạn hợp đồng với anh nữa.
"Tôi không phá vỡ bất kỳ luật lệ nào. Tôi từ chỗ là nhân viên nổi bật, được đại diện trên các banner quảng cáo, trở thành người chẳng ai muốn dính vào chỉ vì xu hướng tính dục của mình".
"Nó thật sự sai trái... Bất kỳ ai cũng có thể là nạn nhân trong câu chuyện này".
Peng Yanhui, quản lý một nhóm hoạt động vì quyền lợi của cộng đồng LGBTQ cho biết, các công ty rất hiếm khi thẳng thừng sa thải ai chỉ vì họ đồng tính. Thay vào đó, họ sẽ đưa ra một vài lý do rất hợp lý, trường hợp này cũng không khác gì.
Nam phi công hôn Chai trong video chưa bị sa thải, theo nguồn tin nội bộ tiết lộ cho CNN. Theo người này, lý do là vì hãng thường tốn rất nhiều tiền để huấn luyện phi công, nên họ ngần ngại "xuống tay". Hơn nữa so với tiếp viên, phi công là công việc có tính bảo hiểm cao hơn.
Tháng 8/2020, Chai quyết định đâm đơn kiện hãng China Southern vì không chịu đền bù thỏa đáng, khi hãng đình chỉ bay với anh tới 6 tháng sau khi video lộ ra. Vụ kiện không hoàn toàn liên quan đến sự phân biệt đối xử, nhưng theo lời luật sư thì nếu họ thắng, nó sẽ mở ra tiền lệ cho các vụ việc pháp lý tương tự sau này.
Năm 2008, một đạo luật đã nghiêm cấm hành vi phân biệt đối xử nơi làm việc dựa trên giới tính - thứ mà theo các luật sư là bao gồm cả xu hướng tính dục. Tuy nhiên, chưa lần nào đạo luật này được đưa ra tranh cãi tại tòa án cả.
"Qua vụ kiện này, chúng tôi muốn nói với họ (cộng đồng LGBT) rằng các chủ doanh nghiệp mới sai, và họ không cần phải cảm thấy bị cưỡng ép làm theo cái sai đó" - trích lời luật sư của Chai, Zhong Xialu.
Dù Chai đã thu âm được một số quản lý có lời lẽ phân biệt với người đồng tính, nhưng hãng hàng không khẳng định những lời đó chỉ là quan điểm cá nhân, không đại diện cho hãng.
Hội chứng sợ đồng tính
Năm 2016, Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) cùng hai tổ chức phi chính phủ đã công bố một nghiên cứu về xu hướng tính dục tại Trung Quốc. Theo đó thì trên tổng số 28.000 người tham gia thuộc giới LGBT, 64% "không chắc" rằng họ được chấp nhận ở chỗ làm việc, và 19% cho biết họ bị đào thải. Chỉ 17% được chấp nhận mà thôi.
Một khảo sát khác thì cho thấy chỉ 5% người tham gia công khai với gia đình và bạn bè, trong khi đa số chọn giữ kín bí mật.
Chai chia sẻ, anh vẫn nhớ những lần các đồng nghiệp trêu chọc một tiếp viên đồng tính lộ liễu hơn anh. Bởi vậy anh chọn giữ bí mật, để tránh bị dòm ngó. Nhưng khi video lộ ra, các tiếp viên đồng tính khác trong công ty cũng né tránh anh, vì sợ trở thành mục tiêu công kích.
"Những người từng giao lưu với tôi trở nên hạn chế tiếp xúc hẳn. Ai cũng sợ hãi".
Từ năm 2016, Trung Quốc đã cấm phát hành trên TV hoặc internet các hình ảnh được cho là "hành vi tình dục không bình thường" - bao gồm cả đồng tính. "Cộng đồng LGBT hiện vẫn đang bị buộc phải sống trong giả dối" - Peng, một nhà hoạt động vì người đồng tính cho biết.
Luật sư Zhong cũng cho rằng, có quá ít quy định bảo vệ dành cho cộng đồng LGBT từ vụ việc của Chai. Như tại Mỹ, việc phân biệt đối xử với bản dạng giới của một người đã bị nghiêm cấm bởi tòa án tối cao từ năm 2020.
Người hùng của cộng đồng
Với mạng xã hội Trung Quốc, Chai chỉ là "một cậu bé tiếp viên hàng không của China Southern". Nhưng trong cộng đồng LGBT, anh hiện đang là một người hùng.
"Vụ việc chỉ mới đang được dấy lên thôi" - luật sư Zhong chia sẻ.
"Luật pháp thường đi chậm hơn các vấn đề. Bằng việc dấy lên vấn đề, đưa ra tranh cãi trong cộng đồng, luật pháp có thể sửa đổi".
Theo nghiên cứu của UNDP năm 2016, chỉ dưới 5% người thuộc cộng đồng LGBTQ tại Trung Quốc cho biết họ được huấn luyện tương đương với các đồng nghiệp khác, và 10% xác nhận công ty có những quy định chống phân biệt đối xử.
Khi so sánh với những đồng nghiệp "thẳng", nhóm nhân viên đồng tính thường có mức ổn định thấp hơn, tỉ lệ thất nghiệp cao hơn.
Với Chai, sau khi mất việc tại China Southern, anh chuyển tới Bắc Kinh để làm lại từ đầu. Nhưng mọi thứ đi vào ngõ cụt mỗi khi nhân sự các công ty tìm về hồ sơ của anh. Cuộc sống cá nhân của Chai cũng bị ảnh hưởng, khi mọi người chỉ xem anh là một mớ rắc rối hỗn độn.
Rốt cục, Chai cũng tìm được một công việc mới trong ngành cung ứng dược phẩm, nhưng tiếp viên hàng không vẫn là ước mơ của anh. Chai cũng thấu hiểu hệ quả to lớn khi đâm đơn kiện China Southern: sẽ không có bất kỳ hãng hàng không nào tuyển anh về nữa.
"Tôi đã quyết định từ bỏ đam mê của mình, vì tôi cần cuộc chiến này".
Theo J.D (Pháp luật & Bạn đọc)