Khó khăn bủa vây Tổng thống Donald Trump khi cố gắng vực dậy nền kinh tế Mỹ

15/04/2020 07:31:15

Các chuyên gia pháp lý Mỹ cho rằng chỉ riêng quyền lực của Tổng thống là không đủ để có thể vực dậy nền kinh tế lớn nhất thế giới, hiện đang điêu đứng vì COVID-19.

Khó khăn bủa vây Tổng thống Donald Trump khi cố gắng vực dậy nền kinh tế Mỹ
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một cuộc họp báo về phòng chống COVID-19 tại Nhà Trắng. (Ảnh: AP Photo)

Tổng thống Donald Trump khẳng định hôm 13/4 rằng ông sẽ quyết tâm phục hồi lại nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, đây là điều không hề dễ dàng, bởi những quy định trong Hiến pháp Mỹ đã giới hạn phần nào quyền lực của Tổng thống. Sau đây là những phân tích của các chuyên gia pháp lý Mỹ về vấn đề này.

Ai là người đưa ra các quyết định về phúc lợi xã hội theo Hiến pháp Hoa Kỳ?

Mỹ là một nước cộng hòa liên bang, nghĩa là quyền lực sẽ được chia sẻ giữa chính quyền liên bang và chính quyền tiểu bang. Theo Hiến pháp Mỹ, chính quyền tiểu bang có quyền quản lý người dân và điều chỉnh phúc lợi xã hội tại địa phương của họ. Vì vậy, việc ứng phó với thảm họa và dịch bệnh thường do chính quyền tiểu bang chịu trách nhiệm.

“Chính quyền tiểu bang là những người hiểu rõ nhất các vấn đề mà người dân tại bang của họ đang gặp phải,”, John Cohen, cựu quan chức của Bộ An ninh Nội địa Mỹ (DHS) cho biết.

Tổng thống có thể can thiệp vào lệnh cách ly xã hội tại các tiểu bang?

Câu trả lời là không, bởi vì việc chính quyền Liên bang can thiệp vào lệnh cách ly xã hội tại các tiểu bang là vi phạm Hiến pháp.

“Theo Đạo luật Liên bang 101, Tổng thống có thể đưa ra lời khuyên và hướng dẫn cho các tiểu bang, nhưng không thể trực tiếp can thiệp để ép chính quyền tiểu bang phải thay đổi chính sách của mình,” Robert Chesney, Giáo sư luật An ninh quốc gia tại Đại học Texas khẳng định.

Tuy vậy, những “hướng dẫn” của ông Trump vẫn có sức ảnh hưởng rất lớn tới nền kinh tế, bởi phần lớn người dân Mỹ đều muốn tìm lời khuyên ở Tổng thống của họ.

“Chính quyền Liên bang có vai trò rất quan trọng trong việc đưa ra các khuyến nghị. Các cuộc họp báo tại Nhà Trắng rõ ràng có ảnh hưởng đến cách mọi người phản ứng với dịch bệnh,” ông Bunnell, cựu luật sư hàng đầu của DHS cho biết. “Mặc dù vậy, không công cụ nào có thể giúp Tổng thống trực tiếp can thiệp vào chính quyền tại các tiểu bang.”

Tổng thống có thể ra lệnh cho các doanh nghiệp duy trì hoạt động?

Trả lời câu hỏi này, ngày 19/3, một cơ quan thuộc DHS đã ám chỉ rằng Tổng thống có thẩm quyền đối với một số doanh nghiệp “thiết yếu” của nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, luật pháp Liên bang cũng quy định rằng, chính quyền tiểu bang mới là chủ thể cuối cùng chịu trách nhiệm triển khai và thực hiện các hoạt động trong cộng đồng của họ.

Chẳng hạn, Tổng thống có thể sử dụng Đạo luật Sản xuất quốc phòng để thu mua nhiều hơn thiết bị y tế và bộ xét nghiệm từ các doanh nghiệp và họ phải tuân thủ. Tuy vậy, hành động này cũng chỉ thể hiện một phần đặc trưng nền kinh tế định hướng tiêu dùng của nước Mỹ mà không phải là sự can thiệp của Tổng thống.

Đạo luật khẩn cấp quốc gia (NEA) có thể giúp ông Trump khôi phục nền kinh tế?

NEA là một đạo luật Liên bang có thể trao cho Tổng thống quyền hạn rộng lớn để đối phó với các tình huống khẩn cấp quốc gia, bao gồm cả thẩm quyền chuyển hướng các quỹ và đình chỉ các điều luật. Ông Trump đã viện dẫn đạo luật này khi ban bố tình trạng khẩn cấp vào ngày 13/3.

Tuy nhiên, NEA dường như không phù hợp để vực dậy nền kinh tế Mỹ.

“Đạo luật này có xu hướng trao cho Tổng thống quyền lực để đưa ra những chính sách mang tính hạn chế nhiều hơn,” ông Cohen cho biết, “vì vậy, nó không giúp Tổng thống gỡ bỏ các lệnh cấm tại các tiểu bang và địa phương.” 

Theo Việt Khôi (Ngaynay.vn)