Sáng 7/6, tờ ABC News xuất bản bài báo có tựa đề: Câu chuyện người hầu gái không hoàn toàn hư cấu: Cưỡng ép mang thai dưới thời Khmer Đỏ (The Handmaid's Tale isn't completely fiction. Forced pregnancy happened under the Khmer Rouge) của nhà báo Erin Handley.
Để có một góc nhìn đa chiều về tội ác diệt chủng của chế độ Khmer Đỏ trong con mắt của người Phương Tây, chúng tôi trân trọng gửi tới quý độc giả bản lược dịch bài viết này.
Loạt phim "Câu chuyện của người hầu gái" có phải là tưởng tượng?
Season (phần) tiếp theo của loạt phim The Handdess's Tale (Câu chuyện của người hầu gái) sẽ hoàn toàn trở lại màn ảnh nhỏ vào ngày 6/6.
Loạt phim đã phô bày sự khủng khiếp không thể tưởng tượng khi phụ nữ bị các tổ chức cấp nhà nước hệ thống hóa việc "Mang thai cưỡng bức" bằng cách cưỡng hôn và cưỡng hiếp. Phụ nữ phải mang trách nhiệm "sinh con" cho nhà nước.
Trong loạt phim phóng tác của cuốn tiểu thuyết xuất bản năm 1985 của Margaret Atwood, một cuộc khủng hoảng sinh sản đã bao trùm thế giới hiện đại. Những gì gọi là chính phủ Hoa Kỳ thu thập người phụ nữ còn lại, gọi họ là "hầu gái" và áp dụng một quá trình cưỡng hiếp để sinh con.
Chế độ được miêu tả trong loạt phim không khác biệt với cái từng được gọi là "Campuchia Dân chủ" dưới sự cai trị tàn bạo của Pol Pot vào cuối những năm 1970.
Nhưng đối với những phụ nữ Campuchia sống dưới thời Khmer Đỏ đã trải qua những điều tương tự thì "Mang thai cưỡng bức" là một tội ác chưa bị trừng phạt tại tòa án quốc tế.
Tội ác diệt chủng của Khmer Đỏ với hàng nghìn hộp sọ được khai quật trên các "cánh đồng chết" hiện đang là lời nhắc nhở về chế độ bệnh hoạn đã giết chết 2 triệu người Campuchia.
Nhưng một thực tế là phần lớn các tội ác như hôn nhân cưỡng ép hàng loạt, cưỡng hiếp trong hôn nhân và cưỡng bức mang thai vẫn chưa được quan tâm.
Việc các tội ác nói trên bị chậm xét xử tại các tòa án hình sự quốc tế ngoài đời thực khiến nạn nhân của bạo lực bất bình đẳng giới tiếp tục đau khổ trong im lặng.
Đêm tân hôn dưới thời Khmer Đỏ, đêm bị hãm hiếp
Với mái tóc đen ngắn búi sau tai, nhân chứng giấu tên đưa lời khai tại tòa án xét xử tội ác của Khmer Đỏ vào năm 2016 và nói về đêm tân hôn của cô, đêm cô bị hãm hiếp. Đó là một bí mật cô giấu kín trong 40 năm.
Giống như hàng nghìn cặp vợ chồng dưới thời Khmer Đỏ, nhân chứng đã buộc phải kết hôn với một người lạ trong một đám cưới tập thể. Khi cô từ chối kết hôn, một chỉ huy Khmer Đỏ đã rút súng bắn cô và cưỡng hiếp cô.
"Tôi đã phải cắn môi và rơi nước mắt, nhưng tôi không dám gây ra tiếng động vì tôi sợ mình sẽ bị giết" cô nói. Tuy nhiên hầu hết các nạn nhân của Khmer Đỏ đã phải phục tùng mà không cần một khẩu súng chĩa vào đầu.
Cán bộ Khmer Đỏ sẽ đứng bên ngoài túp lều vào ban đêm, lắng nghe để chắc chắn rằng các cặp vợ chồng mới cưới đã quan hệ. Đó là một kiểu hiếp dâm mà cả nam lẫn nữ đều là nạn nhân và nhà cầm quyền là hung thủ.
Họ được yêu cầu phải sinh ra một đứa trẻ cho "Angkar" (Một tổ chức quân sự và chính trị toàn diện theo tư duy của Khmer Đỏ). Khmer Đỏ rõ ràng muốn thêm người. Chúng hy vọng rằng với hôn nhân cưỡng ép sẽ tăng dân số từ 8 triệu người lên 20 triệu.
Trong một nghiên cứu về tác động của hôn nhân cưỡng ép dưới thời Khmer Đỏ, có tựa đề Like Ghost Change Body, một nhân chứng cho biết họ bị đối xử như động vật."Chúng tôi buộc phải giao phối như chó mèo".
Nghiên cứu cho biết " Chính sách quan hệ vợ chồng được thi hành dưới thời Khmer Đỏ đã tước đi quyền lựa chọn và đồng thuận cơ bản của con người.
Khi làm như vậy, nó đã trở thành một nền văn hóa cưỡng hiếp và lạm dụng, bình thường hóa bạo lực tình dục thông qua chính sách của nhà nước và đi kèm sự trừng phạt".
Nhiều phụ nữ sống dưới chế độ Khmer Đỏ đã không muốn mang thai vào thời điểm đó do họ đói và bị ép lao động khổ sai.
Một cô dâu dưới thời Khmer Đỏ đã nói về sự đau lòng của mình sau khi cô cảm thấy em bé ngừng di chuyển trong bụng mẹ. Cô đã có một thai chết lưu khi bị bệnh sốt rét.
Silke Studzinsky, luật sư đại diện cho các nạn nhân và đóng một vai trò quan trọng trong việc đưa bạo lực tình dục đến tòa án, nói rằng đó là một thực tế tồi tệ đối với các bà mẹ.
"Những người mang thai mang gánh nặng sinh con mà họ không muốn đã phải vật lộn với những đứa trẻ. Họ phải đối mặt hàng ngày với sự nhắc nhở về tội ác chống lại họ bởi sự tồn tại của chúng.
Nhưng mặt khác, họ vẫn phải yêu thương con mình".
Những cuộc tế lễ và thí nghiệm của Khmer Đỏ để tạo ra "thế hệ chiến binh"
"Mang thai cưỡng bức" hiện tại vẫn là một tội ác chưa bị trừng phạt tại tòa án quốc tế. Điều đó có nghĩa là một số tội ác tàn bạo và "nghi thức" man rợ của Khmer Đỏ đã bị bỏ qua.
"Phụ nữ bị buộc phải chứng kiến hoặc chịu đựng các thí nghiệm y tế được thực hiện bởi Khmer Đỏ khi họ mang thai", nhân chứng nói tiếp.
Các thí nghiệm này được cho là để tạo ra "thế hệ chiến binh" kế tiếp trung thành phục vụ trong "Angkar".
Đáng ghê sợ hơn là một số nhân chứng đã thấy binh lính Khmer Đỏ cắt cổ phụ nữ khi họ sinh con.
Đây được coi là hỗn hợp của sự mê tín và mục tiêu có hệ thống nhằm cắt đứt mối quan hệ giữa đứa trẻ và những người sinh thành ngay từ lúc sơ sinh. Những đứa trẻ được "Angkar" nuôi dạy từ sơ sinh sẽ trở thành những chiến binh trung thành nhất theo tư duy của Khmer Đỏ.
Đối với một số người sống sót, tòa án xét xử Khmer Đỏ đã xoa dịu phần nào vết thương khi đưa các cuộc hôn nhân cưỡng bức ra khỏi bóng tối và cất tiếng nói về sự đau khổ của người phụ nữ Campuchia dưới thời Khmer Đỏ.
Tuy nhiên trên thế giới, ở đâu đó người ta vẫn bao biện về sự "hà hơi tiếp sức" cho chế độ diệt chủng Khmer Đỏ là nhằm mục đích ngăn chặn một "cuộc xâm lược" tưởng tượng đe dọa sự tồn tại chính thể của họ.
Đây là sự phủ nhận lịch sử, phủ nhận tội ác đã được toàn thế giới xác định và một sự xúc phạm đối với hàng triệu người Campuchia và Việt Nam đã đổ máu bởi chế độ diệt chủng tồi tệ nhất trong giai đoạn cuối của thế kỷ 20.
Erin Handley là nhà báo của Phòng tin tức Châu Á -Thái Bình Dương thuộc ABC News.
Cô đã có một thời gian dài hoạt động tại Campuchia và xuất bản nhiều bài viết về Châu Á - Thái Bình Dương trên các tờ báo Al-Jazeera, Guardian và The Age.
Theo Hoài Thanh (Soha/Trí Thức Trẻ)