Khi Trung Quốc tìm cách "hạ giọng" ở Đối thoại Shangri-La 2017

06/06/2017 11:26:00

Không giống những lần trước, phái đoàn Trung Quốc tham dự cuộc Đối thoại Shangri-la 2017 tại Singapore lại bất ngờ dùng giọng điệu có phần "mềm mỏng", đặc biệt là khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis chỉ trích Bắc Kinh về vấn đề Biển Đông.

Không giống những lần trước, phái đoàn Trung Quốc tham dự cuộc Đối thoại Shangri-la 2017 tại Singapore lại bất ngờ dùng giọng điệu có phần "mềm mỏng", đặc biệt là khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis chỉ trích Bắc Kinh về vấn đề Biển Đông.

 Phái đoàn Trung Quốc tại cuộc Đối thoại Shangri-La 2017. (Ảnh: Nikkei)

Trong 4 năm trước, Trung Quốc đã cử Đô đốc Tôn Kiến Quốc - Phó Tổng Tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc làm trưởng đoàn. Tại những cuộc đối thoại này, Đô đốc Tôn Kiến Quốc thường nhấn mạnh tới những đòi hỏi của Bắc Kinh trong các bài phát biểu. Tại Đối thoại Shangri-La 2015, Đô đốc Tôn Kiến Quốc từng tuyên bố đầy bất chấp rằng các hoạt động xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông là "các hoạt động hợp pháp". Một năm sau đó, ông này cũng tuyên bố rằng "Trung Quốc không cho phép nước nào xâm phạm chủ quyền và lợi ích an ninh của nước này".

Tuy nhiên, tại Đối thoại Shangri-La 2017, Trung Quốc cử một phái đoàn do chỉ huy cấp thấp hơn Đô đốc Tôn Kiến Quốc dẫn đầu, đó là Trung tướng Hà Lôi - Phó Giám đốc Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc. Trong các hoạt động bên lề, phái đoàn Trung Quốc cũng khá "kín tiếng" khi các cuộc gặp song phương thường được tổ chức kín, trong khi Tướng Hà Lôi cũng không có bài phát biểu nào và chỉ trả lời một số câu hỏi của phóng viên.

Theo đánh giá của giới quan sát, Trung Quốc dường như quyết định "hạ giọng" trong Đối thoại Shangri-La năm nay nhằm duy trì quan hệ với cộng đồng quốc tế, đặc biệt là khi ông đang tìm cách củng cố quan hệ với Mỹ trong thời điểm đảng Cộng sản Trung Quốc chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng lần thứ 18 vào cuối năm nay.

Trong khi đó, một quan chức quân sự cấp cao của phái đoàn Trung Quốc tham dự cuộc Đối thoại Shangri-La 2017 cũng cho biết Bắc Kinh đã nhất trí với ASEAN về những vấn đề liên quan tới Bộ Quy tắc ứng xử (COC) trên Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh rằng các quốc gia đang tranh chấp chủ quyền tại vùng biển này có kế hoạch nhóm họp để thảo luận tìm phương hướng giải quyết.

Ở mặt khác, các quan chức trong phái đoàn Trung Quốc tham dự sự kiện tại Singapore cũng không tìm cách bảo vệ những cái gọi là "lợi ích cốt lõi" của Trung Quốc. Khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đề cập tới việc Washington bán vũ khí cho Đài Loan, các quan chức Trung Quốc đã tái khẳng định quan điểm của Bắc Kinh và nhấn mạnh tới vai trò quan trọng trong hợp tác Mỹ - Trung.

Về vấn đề Biển Đông, phái đoàn Trung Quốc cũng không "mạnh miệng" như những năm trước. Khi Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia nói rằng bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông mà Trung Quốc dẫn đầu sẽ không thể ngăn chặn hoàn toàn nguy cơ xung đột trên biển, một quan chức trong phái đoàn Trung Quốc chỉ nhẹ nhàng hỏi lại rằng "vậy đâu là bộ quy tắc ứng xử hoàn hảo nhất?".

Một quan chức quân đội quốc gia thành viên ASEAN chia sẻ rằng Trung Quốc đang tìm cách "né gió" tại cuộc Đối thoại Shangri-La 2017, song cũng không để các nước khác quá đẩy quá xa "ranh giới đỏ". Tuy nhiên, quan chức này cũng cho rằng Bắc Kinh sẽ tiếp tục quá trình quân sự hoá phi pháp ở Biển Đông, bất chấp giọng điệu "nhẹ nhàng" tại cuộc Đối thoại Shangri-la 2017.

Theo Ngọc Anh (Dân Trí)