Những trường hợp sống sót sau khi máy bay bị rơi thường là kết quả của sự may mắn, kỹ năng sống sót và cũng không thể thiếu sự hỗ trợ kịp thời từ lực lượng cứu hộ. Trong mỗi vụ việc đều có các yếu tố riêng quyết định nhưng tựu chung lại thường là sự kết hợp của nhiều yếu tố để mang lại lần tái sinh cho những người bị nạn.
Dưới đây là một số trường hợp sống sót kì diệu sau những vụ tai nạn máy bay nổi tiếng thế giới trong những năm qua. Cùng điểm lại yếu tố giúp các nạn nhân có thể thoát nạn để có thể kể lại cho người về sau những câu chuyện hấp dẫn này.
1. Sống sót trong 72 ngày sau thảm kịch rơi máy bay trên dãy Andes
Một trong những trường hợp sống sót nổi tiếng nhất là vụ rơi máy bay của đội bóng bóng đá Uruguay năm 1972 khi cùng gia đình tới Chile thi đấu. Sau tai nạn, sống sót trong một khu vực cực kỳ khắc nghiệt của núi Andes, các cầu thủ đã phải chiến đấu với sự hoảng loạn, thiếu thức ăn và nhiệt độ lạnh để tồn tại.
Trong 45 người trên chiếc máy bay rơi xuống dãy Andes 51 năm về trước, 16 người tạo nên phép màu khi sống sót 72 ngày mà không có thức ăn. Khi những người sống sót tỉnh lại, họ chỉ thấy bóng tối bao trùm ở độ cao 3.500 mét, nơi nhiệt độ xuống tới -33 độ C. Không ai mặc quần áo ấm. Một số người bị thương nặng. Những người có thể cử động cố chui vào ẩn náu trong xác máy bay, giữa thi thể của người chết và tiếng la hét của người bị thương.
Tới sáng, thêm 4 người trong đoàn tử vong. Cứ thế, mỗi ngày qua đi, lại có thêm người chết. Và đến ngày thứ 10, những người sống sót nghe thấy thông báo qua hệ thống vô tuyến trên máy bay rằng chiến dịch tìm kiếm họ đã chấm dứt. Nhưng đó cũng là cú sốc khiến những người sống sót phải tự giải quyết vấn đề và tìm cách thoát khỏi sông băng.
Một chuyện đau đớn khác là cuộc tranh luận về ăn thịt đồng loại. Trên máy bay không có thực phẩm dự trữ, vì đây là chặng bay ngắn từ Mendoza ở Argentina, dừng chân tại một điểm, rồi tiếp tục bay tới Santiago, Chile. Giữa núi băng hoang vắng, lạnh giá, họ không thể tìm được thức ăn. Khi sắp chết đói, đa số người sống sót đã bỏ phiếu đồng ý ăn thịt những người bạn đã chết.
Tuy nhiên, sự việc đen tối vẫn chưa chịu chấm dứt khi đến ngày thứ 16, thảm họa tiếp tục xảy ra. Khi những người sống sót đang ngủ, một trận tuyết lở chôn vùi phần thân máy bay nhô lên, nơi trú ẩn duy nhất của họ. 8 người chết, chỉ còn lại 19 trong số 32 người sống sót ban đầu. Vài ngày sau, lại có thêm ba người tiếp tục trút hơi thở cuối cùng.
16 thành viên cuối cùng tận dụng những gì còn sót lại từ máy bay để làm mũ, găng tay, giày đi tuyết, kính chống lóa. Họ cũng tìm ra cách làm tan băng để lấy nước uống, bất chấp nhiệt độ âm. Cuối cùng, họ tìm được lối thoát. Trong nỗ lực tuyệt vọng cuối cùng suýt nữa phải trả giá bằng mạng sống, Roberto Canessa và Fernando Parrado đi bộ 10 ngày theo bản năng giữa núi tuyết trắng xóa. Cuối cùng, họ tới một con sông, phát hiện bên kia sông có người đang cưỡi ngựa.
Họ cố gắng gào to, nhưng tiếng nước chảy khiến nhóm người bên kia sông không thể nghe thấy hai người. Ngày hôm sau, một người phía bên sông kia quay lại, ném một mảnh giấy quấn quanh hòn đá về phía hai người. Parrado viết lời cầu cứu lên giấy: "Tôi đến từ chiếc máy bay rơi trên núi". Ngày hôm sau, những chiếc trực thăng đầu tiên xuất hiện. Khi lên chiếc máy bay xấu số của Không quân Uruguay tới Chile, Harley nặng 84 kg. Thời điểm được cứu, ông chỉ còn 37 kg, cao 1,8 mét. Những người sống sót sụt trung bình 29 kg.
2. Bé trai 10 tuổi sống sót sau vụ tai nạn máy bay kinh hoàng ở Libya khiến 103 người thiệt mạng
Ruben van Assouw, 10 tuổi, là người sống sót duy nhất sau khi một chiếc máy bay phát nổ lúc hạ cánh ngày 12/5/2010 ở Tripoli, thủ đô Libya, làm thiệt mạng 103 người. Thật đáng kinh ngạc là cậu bé đã bị văng đi rất mạnh khi chiếc máy bay vỡ tung, lúc nó chỉ còn cách mặt đất khoảng 1m.
Cậu bé người Hà Lan được cứu ra từ đống đổ nát của chiếc máy bay cỡ lớn Airbus A330-200 thuộc Afriqiyah Airways, hãng hàng không của Libya. Các bác sĩ đã phẫu thuật cho cậu trong bốn giờ đêm hôm ấy. Chân cậu bị gãy ở một số chỗ và cậu vẫn không thể cử động các bộ phận trên cơ thể nhiều giờ sau phẫu thuật. Người ta tin rằng não của cậu có thể đã bị tổn thương trong vụ tai nạn. Khi các bác sĩ hỏi cậu đến từ đâu, Ruben đã cố gắng mấp máy: “Hà Lan, Hà Lan”.
Ruben được cho là một trong 14 người sống sót duy nhất trong một vụ tai nạn máy bay cỡ lớn trên thế giới vào thời điểm 2010. Cha mẹ cậu bé và người anh trai 11 tuổi của em đều đã chết trong vụ tai nạn.
Người ta nói rằng viên phi công từng cảnh báo với các nhà điều hành không lưu về một sự cố của chiếc máy bay khi họ tiến đến gần Tripoli. Tuy nhiên, đến nay nguyên nhân của vụ tai nạn vẫn là một điều bí ẩn.
Sự thoát chết của cậu bé thực sự là một điều thần kỳ bởi cậu bé là trường hợp thứ 14 hiếm hoi trong số những người duy nhất sống sót vì máy bay rơi trên thế giới. Trong số đó, 6 trường hợp là trẻ em, 4 là thành viên phi hành đoàn.
3. Chuyến bay tử thần trên chiếc Japanese Airlines Flt 123
Ngày 12/8/1985, máy bay Boeing 747-146SR với số đăng kí JA8119 thuộc hãng hàng không Japan Airlines, thực hiện chuyến bay từ sân bay quốc tế Haneda (Tokyo) đến sân bay quốc tế Osaka (Itami), đã bị mất kiểm soát và rơi chỉ sau 44 phút cất cánh, khiến cho 520 người tử nạn. Chiếc JAL123 được xác định đã đâm xuống đỉnh núi Osutaka thuộc Ueno, tỉnh Gunma, cách Tokyo 100km
Vào thời điểm vụ tai nạn xảy ra, trên máy bay có 509 hành khách và 15 thành viên phi hành đoàn. Hầu hết hành khách trên máy bay là những người trở về nhà sau lễ hội Obon – một lễ hội Phật giáo truyền thống của Nhật Bản. Khi số phận của chiếc máy bay đã được định đoạt, rất nhiều hành khách đã chuẩn bị hồi kết, nhiều người đã để lại những dòng nhắn gửi người thân.
Ngay khi chiếc máy bay rơi xuống chân núi, đài kiểm soát không lưu đã mất tín hiệu của JAL123 trên màn hình radar. Ngay sau đó họ đã nhận được thông tin cho biết một máy bay quân sự Mỹ đã phát hiện xác máy bay rơi, và nhanh chóng triển khai tìm kiếm nạn nhân còn sống sót. Tuy nhiên, họ lại bị triệu hồi về trung tâm mà không rõ lí do.
Ngay trong đêm 12/8, lực lượng quân tự vệ Nhật Bản đã kịp đến hiện trường, nhưng sai lầm lớn nhất là họ đã cho rằng không còn ai sống sót do máy bay bị vỡ thành nhiều mảnh. Và họ đã thôi tìm kiếm. 14 giờ sau khi máy bay rơi, đội cứu hộ đã có mặt tại hiện trường. Và họ đã bị sốc khi vẫn còn những nạn nhân sống sót. Có 4 hành khách: Yumi Ochiai, Keiko Kawakami, Hiroko Yoshizaki và Mikiko Yoshizaki. Theo Yumi Ochiai, sau khi máy bay rơi, cô đã nghe thấy tiếng rên rỉ vì đau đớn của rất nhiều người xung quanh, vẫn còn những người may mắn sống sót nhưng họ đã không thể vượt qua cái đêm lạnh giá đó. Và nếu như đội cứu hộ không bỏ đi thì có lẽ con số những nạn nhân còn sống sót sẽ không chỉ là 4 người.
Nguyên nhân của tai nạn sau đó được xác định do là vách ngăn áp lực ở đuôi máy bay bị vỡ, làm hỏng hệ thống thủy lực và khiến máy bay bị mất kiểm soát. Một ủy ban điều tra do chính phủ chỉ định đã chỉ ra rằng các sửa chữa không đúng cách đối với vách ngăn 7 năm trước đó là khởi nguồn của thảm họa.
Cho tới tận ngày nay, theo lời nhân chứng kể lại, sau khi máy bay rơi họ vẫn còn nghe thấy nhiều tiếng rên rỉ, khóc lóc, cầu cứu văng vẳng cả đêm của nhiều người xung quanh. Nếu như lực lượng cứu hộ không bị lệnh triệu hồi về do tưởng rằng không còn ai sống sót thì số nạn nhân được cứu sống đã không chỉ dừng lại ở con số 4.
Tổng hợp
QT (SHTT)