Bệnh đậu mùa không chỉ gây ra những triệu chứng như sốt mà còn làm tổn thương da nghiêm trọng, quan trọng nhất là nó còn gây nguy hiểm tới tính mạng. Vì thế, trong dân gian thời Thanh của Trung Quốc đã lưu truyền rằng, trẻ con sinh ra mới chỉ là “một nửa”, phải đợi khỏi được đậu mùa thì mới là sống được, mới được coi là thực sự được sinh ra.
Từ đó có thể thấy, bệnh đậu mùa đã lấy đi tính mạng của biết bao con người vô tội, cũng cho thấy bệnh đậu mùa đã tạo ra sự sợ hãi khủng khiếp đến mức nào đối với người dân thời xưa. Ngày nay, bệnh đậu mùa hay thủy đậu không còn là từ khiến người ta cảm thấy sợ hãi nữa, vậy thì bệnh đậu mùa thời xưa thực sự đáng sợ đến mức đó sao? Thực ra dựa vào trình độ kỹ thuật y học thời đó, bệnh đậu mùa thực sự là một căn bệnh nan y.
Đối với người hiện đại mà nói, đậu mùa đã là chuyện của quá khứ, nó không còn là mối đe dọa khủng khiếp đối với con người nữa. Nhưng đối với người thời cổ đại, đặc biệt là đối với hoàng gia hay quý tộc Mãn Thanh của Trung Quốc, nó thực sự là một căn bệnh hiểm nghèo không khác gì HIV.
Trước khi quân Thanh nhập quan (tiến vào Trung Nguyên), họ đã vô cùng sợ hãi căn bệnh đậu mùa ở Trung Nguyên. Vì tộc Mãn sinh sống ở vùng Đông Bắc lạnh giá lâu năm, vì thế họ cũng chưa từng gặp phải đậu mùa, chỉ biết là nếu bị nhiễm bệnh thì “10 người phải tới 8 người chết” vì căn bệnh này, huống hồ hoàng đế Thuận Trị và Đồng Trị cũng đều vì căn bệnh này mà từ biệt nhân gian.
Khi quân Thanh tấn công triều Minh, do sợ bệnh đậu mùa, vì thế họ đã lựa chọn mùa thu đông lạnh giá, vì từ tháng 4 tới tháng 8 là mùa bệnh đậu mùa phát tán, lây lan nghiêm trọng. Ngoài ra, họ còn lựa chọn những người đã từng mắc bệnh đậu mùa để đảm nhiệm những chức vụ quan trọng. Trước đó đã từng có người trong hoàng thất nghĩ rằng lệnh họ vào Trung Nguyên tức là dồn họ vào chỗ chết. Năm ấy, bệnh đậu mùa lây lan khắp kinh thành, con trai của Đại Thiện (Đại Thiện là huynh trưởng của Hoàng Thái Cực) đã qua đời, do sợ nhiễm bệnh đậu mùa nên trong cả đám quý tộc Mãn Thanh, chẳng có ai dám tới đưa tang.
Thực ra hoàng đế Khang Hy có thể đăng cơ hoàng đế cũng chẳng phải là vì ông tài giỏi cỡ nào, mà là vì giáo sĩ Johann Adam Schall von Bell (hay còn gọi là Thang Nhược Vọng là một giáo sĩ phương Tây đã từng làm quan dưới 2 triều nhà Minh và nhà Thanh) cho rằng Khang Hy có thể chất miễn dịch, đề kháng được bệnh đậu mùa. Vì thế nên Khang Hy đã được chọn làm người thừa kế đại nghiệp triều Thanh. Bản thân Khang Hy cũng rất coi trọng việc chữa trị bệnh đậu mùa, cũng đã từng tổ chức một nghiên cứu chuyên về bệnh đậu mùa, đồng thời cũng làm những công tác phòng chống liên quan.
Vào năm 2004, đã công khai một bức thư tín của Pháp, từ bức thư được biết, Khang Hy từng làm một thí nghiệm về bệnh đậu mùa khiến 4 cung nữ tử vong, nhưng cũng vì thế mà tạo phúc cho hậu thế. Người con trai thứ 12 của Khang Hy mới 2 tuổi đã mắc bệnh đậu mùa, để chữa bệnh cho con trai, Khang Hy đã vội vã mời sứ giả từ Pháp tới thăm, muốn ông chữa bệnh cho hoàng tử. Sở dĩ Khang Hy tin tưởng vào tây y cũng là vì khi Khang Hy mắc bệnh đậu mùa, chính thuốc đặc trị của giáo sĩ phương Tây đã chữa khỏi cho ông.
Tỉ lệ tử vong vì bệnh đậu mùa ở Châu Âu thời đó cũng rất cao, vì thế sứ giả cũng cảm thấy khó xử, sau khi nghĩ kỹ, ông bàn bạc với các thái y, quyết định phương án “trồng đậu người”. Tức là nặn chất dịch bên trong mụn đậu mùa ra, sau đó chuyển nó lên da người khỏe mạnh. Sau khi trồng đậu người, những người bị cấy chất dịch đậu lên người sẽ cảm thấy khó chịu, mệt mỏi, cũng sẽ có triệu chứng sốt, nhưng đa phần đều sẽ phục hồi, sau khi phục hồi sẽ có kháng thể miễn dịch. Tuy nhiên, thí nghiệm này cũng có hệ số nguy hiểm nhất định khiến Khang Hy vô cùng băn khoăn. Cuối cùng, ông chọn 30 cung nữ để làm thí nghiệm này. Điều đáng mừng là ngoài 4 người cung nữ tử vong ra thì những người khác hoàn toàn bình phục, khỏe mạnh trở lại bình thường.
Đối với kết quả thí nghiệm, Khang Hy cảm thấy vô cùng vui mừng, kết quả cho thấy, cho dù là để những người khỏe mạnh ở cùng người nhiễm bệnh thì họ cũng vẫn không bị lây nhiễm. Vì có 4 người không thành công miễn dịch, sau khi sứ giả và các thái y nghiên cứu, họ đã hòa loãng chất dịch này với nước, sau đó mới cấy vào sâu trong da, gọi là “cấy mầm” (gần giống vaccine ngày nay). Sau khi sử dụng cách này, họ đã phát hiện kết quả rất tốt, giống với khi không pha loãng, hơn nữa những người bị cấy lên cơ thể chất dịch thì triệu chứng cũng nhẹ hơn. Vậy nên thí nghiệm đã thành công.
Dưới sự dẫn dắt “chống bệnh đậu mùa” của Khang Hy, phương pháp trị liệu “cấy mầm” này đã được lưu truyền rộng rãi, khiến tỉ lệ người mắc bệnh đậu mùa và chết vì căn bệnh này giảm đáng kể. Điều này đã giảm bớt được gánh nặng trong lòng người dân, cũng khiến người dân bớt đi nhiều khổ cực, Khang Hy cũng coi như là đã tạo phúc cho hậu thế.
Không thể không nói, tuy cuộc thí nghiệm của Khang Hy đã khiến 4 người tử vong nhưng thân làm vua một nước, Khang Hy cũng có trách nhiệm của riêng mình, ông cần phải cân nhắc, cân bằng giữa lợi và hại, thí nghiệm này thực tế đã cứu rỗi được biết bao sinh mệnh, giải quyết được nỗi lo trong lòng người dân. Ngày nay, khoa học kỹ thuật phát triển, y học cũng ngày càng tiên tiến, có thể kết hợp cả đông - tây y, chất lượng cuộc sống của con người cũng ngày càng được nâng cao, điều kiện y tế cũng không ngừng được nâng cấp và đảm bảo, chúng ta nên cảm thấy may mắn khi được sinh ra trong thời đại này.
Theo Vũ Phong (Công Lý & Xã Hội)