Yên ngựa được khai quật từ mộ của một phụ nữ ở nghĩa trang Yanghai tại Tân Cương, ước tính niên đại khoảng 2.700 năm trước.
Phát hiện xác nhận giả thuyết khu vực kể trên đóng vai trò quan trọng trong lịch sử cưỡi ngựa trong khoảng 500 năm đầu thiên niên kỷ 1 trước công nguyên, theo nghiên cứu đăng tải trên tuần san Nghiên cứu Khảo cổ châu Á hôm 23/05.
Chiếc yên ngựa ở Yanghai "đánh dấu sự bắt đầu của lịch sử chế tác yên ngựa", theo các tác giả từ Thụy Sĩ, Trung Quốc, Đức, Anh và Nga.
Trong khu mộ, hài cốt người phụ nữ được mặc áo khoác da, quần dài bằng len, đeo giày da ngắn. Hầu hết trang phục của bà đã bị mục ruỗng.
Ngôi mộ còn có một chiếc cốc gốm có tay cầm, một mảnh len đan, phần còn lại của vải len và "yên ngựa bằng da đặt ở thi thể người phụ nữ, như người này đang ngồi lên nó". Yên cương có những bộ phận cơ bản, giống với những gì được sử dụng hiện nay, theo nghiên cứu.
Phần đệm của yên ngựa được làm bằng da bò, bên trong là lông hươu và lạc đà. Ước tính niên đại của yên ngựa vào khoảng năm 727-396 Trước CN.
Các ngôi mộ ở Yanghai được cho là thuộc về người của nền văn hóa Tô Bối Hi có niên đại khoảng 3.000 năm trước. Tuy vậy, các tác giả nghiên cứu cho rằng yên ngựa này không phải là sự bắt đầu của việc cưỡi ngựa trong khu vực, điều này được cho là diễn ra sớm hơn nhiều.
Nghiên cứu trước đó cho thấy khoảng 3.3000 năm trước, con người ở khu vực Núi Altai đã uống sữa ngựa, nhưng ở khu vực phía Nam việc thuần chủng ngựa và cưỡi ngựa diễn ra muộn hơn, vào khoảng thế kỷ 12 Trước CN.
Tại nghĩa trang Yanghai, dây cương đã được tìm thấy trong 19 ngôi mộ, niên đại từ thế kỷ 10 tới thế kỷ 3 Trước CN.
"Không như dây cương, yên ngựa được chế tạo muộn hơn, khi người cưỡi ngặ bắt đầu quan tâm tới sự thoải mái, an toàn và sức khỏe của những con ngựa," nghiên cứu cho biết.
Đan Anh (SHTT)