Lâu nay, ông Trump cũng luôn bác bỏ thông tin từ giới tình báo Mỹ rằng Nga đứng sau đợt tấn công tin tặc nhằm mục đích giúp ông chiến thắng trong kỳ bầu cử tổng thống hồi tháng 11. “Đã đến lúc đất nước chúng ta nên tập trung vào những vấn đề quan trọng hơn”, ông nhấn mạnh.
Tổng thống đắc cử Mỹ và tổng thống Nga cũng nhiều lần bày tỏ thiện chí dành cho nhau, đồng thời trong nội các sắp nhậm chức của ông Trump có một số nhân vật khá thân thiết với Nga.
Hãng tin TASS dẫn lời Phó chủ tịch thứ nhất Ủy ban Quốc phòng và An ninh thuộc Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga Frants Klintsevich nhận định Tổng thống đắc cử Trump có thể sẽ đảo ngược các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Moscow. Một số quan chức cấp cao của Mỹ cũng có nhận định tương tự. Tuy nhiên họ cảnh báo với Reuters rằng nếu thật sự làm vậy, ông Trump sẽ vấp phải sự chống đối của quốc hội, bao gồm cả những nhân vật cấp cao của đảng Cộng hòa như Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện John McCain. Đây là điều mà chủ nhân mới của Nhà Trắng sẽ hết sức né tránh trong thời gian đầu cầm quyền.
Theo chuyên gia Eugene Rumer thuộc Viện Hòa bình quốc tế Carnegie Endowment (Mỹ), ông Trump vẫn có thể tiến hành các bước hàn gắn quan hệ với Nga mà không cần phải đảo ngược sắc lệnh trừng phạt. “Ông Trump chỉ cần nói đó là quyết định của ông Obama và hai bên có thể cải thiện quan hệ theo những con đường khác”.
Cũng trong ngày 31.12, AFP đưa tin Điện Kremlin quyết định điều hẳn một máy bay tới Mỹ để đón công dân Nga về nước. Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova, lệnh trục xuất của Tổng thống Obama khiến 96 người Nga phải gấp rút rời Mỹ, bao gồm 35 nhà ngoại giao và thân nhân. Cũng nằm trong kế hoạch trừng phạt, Mỹ còn đóng cửa 2 tòa nhà thuộc cơ quan ngoại giao Nga tại New York và Maryland cũng như công bố các khoản cấm vận nhằm vào Tổng cục Tình báo quân sự Nga (GRU) và Tổng cục An ninh Liên bang Nga (FSB).
Theo Huỳnh Thiềm (Thanh Niên Online)