Bệnh thành tích đang khiến ngay cả các tướng lĩnh quân đội Trung Quốc cũng không biết được thực lực của mình.
Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đang "tự lừa người lừa mình" trong diễn tập, huấn luyện, do vậy, năng lực tác chiến thực sự đạt đến trình độ nào thì ngay cả tướng lĩnh của PLA cũng không thể nắm bắt chính xác.
Kết luận trên được tờ Đông phương của Hong Kong đưa ra ngày 5/12. Tờ báo này dẫn kết quả nghiên cứu do công ty Rand của Mỹ tiến hành thí nghiệm mô phỏng “Mỹ và Trung Quốc giao chiến” cho thấy hỏa lực của Trung Quốc chiếm ưu thế, nhưng bị Mỹ đánh bại.
Tờ báo bình luận, điều này không hẳn là Mỹ khoa trương để đe dọa Trung Quốc, bởi vì PLA mặc dù thực lực được tăng cường, nhưng về tổng thể vẫn chỉ là “hào nhoáng” bề ngoài.
Binh sĩ Trung Quốc tham gia duyệt binh kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến II trên quảng trường Thiên An Môn |
Ngày cả tờ “Báo Quân giải phóng”, cơ quan ngôn luận chính thống của PLA, cũng thừa nhận trên thao trường huấn luyện xuất hiện không ít hiện tượng “giả sáng tạo”, dựa vào “giả sáng tạo” để “tô vẽ” thành tích huấn luyện gây nguy hại khôn lường cho mục tiêu xây dựng sức mạnh chiến đấu của PLA.
Có những đơn vị tác chiến của PLA, trong huấn luyện mượn danh nghĩa thăm dò mô hình huấn luyện tác chiến mới, nhưng trên thực tế vẫn là “xỏ giầy mới đi đường cũ”, dùng khái niệm mới “khoác” lên mô hình huấn luyện cũ, lạc hậu và sau đó tuyên truyền thành đã cải cách mô hình huấn luyện phù hợp với nhu cầu tác chiến mới.
Hiện nay, không ít đơn vị tuyến một của PLA tuyên bố “sáng tạo” phương pháp tác chiến mới, “tô vẽ” khái niệm mới, hình thành “mê hồn trận” khiến mọi người không thể phân biệt đâu là thật, đâu là giả và trên thực tế vẫn là trống rỗng.
Quân nhân Trung Quốc trong huấn luyện |
Tờ Đông phương cho biết Tập đoàn quân số 47 của PLA mới đây đã lặng lẽ tiến hành tưới nước tránh bụi trước một cách có lựa chọn dọc theo đường đạn nhằm nâng cao độ chính xác trong nhắm bắn mục tiêu trên thao trường khói bụi mù mịt.
Hay một tiểu đoàn bộ binh thiết giáp trước khi tiến hành diễn tập bắn đạn thật đã nhập toàn bộ dữ liệu về vị trí và khoảng cách mục tiêu vào máy tính, để đảm bảo trong diễn tập tác chiến tấn công “trăm phát trăm trúng”.
Trước đây đã từng có thông tin tiết lộ toàn bộ sỹ quan của một Lữ đoàn Thiết giáp thuộc Quân khu Quảng Châu tham gia sát hạch với nội dung “chạy việt dã vũ trang 5 km”, kết quả bất ngờ vượt trội, sau đó bị phát hiện chiều dài quãng đường thực tế của nội dung sát hạch “chạy việt dã vũ trang 5 km” là không đủ 5 km.
Tân binh quân đội Trung Quốc tập thể lực tại tỉnh Hắc Long Giang |
Trong một trường hợp khác, với nội dung sát hạch vượt vật cản, một trung đoàn thuộc Quân khu Thành Đô đã không sử dụng dây thép gai để tạo chướng ngại vật, thay vào đó dùng dây “cao su gai” dựng hàng rào, khiến binh sỹ dễ dàng vượt qua chướng ngại vật.
Tình trạng “bệnh thành tích” cũng xảy ra đối với Hải quân PLA khi một lực lượng tàu ngầm đã được bố trí trước dưới đáy biển để hỗ trợ chỉ dẫn phương hướng cho lực lượng mặt nước.
Còn trong các cuộc diễn tập quân sự quy mô lớn, thường xuyên có một “lực lượng” đặc biệt được giao nhiệm vụ bí mật khuyếch đại cường độ và diện tích phản xạ của mục tiêu “quân xanh”, đảm bảo cho radar luôn cực kỳ nhạy cảm trong tìm kiếm, phát hiện mục tiêu.
Ngoài ra, những đoạn video làm giả bị bại lộ đã tố cáo PLA “diễn trò” trong diễn tập bắn đạn thật. Khi diễn tập, thời tiết xấu như mây, mưa dày đặc cũng không sợ, lãnh đạo các đơn vị ngồi trong phòng theo dõi màn hình với những màn tấn công chính xác, cứ ngỡ là bắn đạn thật, nhưng trên thực tế đều là công nghệ của tin học hóa.
Theo tờ Đông phương, trong lĩnh vực quân khí cũng xuất hiện không ít hiện tượng mắc “bệnh thành tích”. Ví dụ như một số đơn vị hữu quan của PLA tuyên bố cải cách khí tài, đáp ứng nhu cầu tác chiến trong tình hình mới, nhưng không khảo sát thực tế mà chỉ ngồi trong văn phòng tìm “cảm hứng”.
Kết quả là những thành tựu mới trong lĩnh vực nghiên cứu sản xuất khí tài quân dụng không ít, nhưng không thể sử dụng được trên chiến trường, mà công dụng duy nhất chỉ là để trưng bày.
Cặp J-20 xuất hiện tại Triển lãm Hàng không Chu Hải hồi đầu tháng 11 |
Một trong những màn “khoe mẽ” mới đây của Trung Quốc là ra mắt máy bay chiến đấu J-20 tại Triển lãm Hàng không quốc tế Chu Hải 2016 hồi đầu tháng 11 vừa qua.
Hai chiếc J-20 được cho là có khả năng tàng hình do Trung Quốc sản xuất chỉ vút qua tầm mắt khán giả từ xa.
Tham mưu trưởng Không quân Mỹ David Goldfein cho rằng J-20 của Trung Quốc không thể so sánh với F-22 và F-35 của Mỹ mà giống với F-117A của Mỹ hơn. F-117A được thử nghiệm lần đầu tiên vào năm 1980, đến nay đã được Không quân Mỹ thay thế bằng loại máy bay chiến đấu khác.
Trong khi đó, báo chí Nga cho rằng từ các bức ảnh cho thấy thiết kế của J-20 sao chép mô hình máy bay chiến đấu MiG 1.44 mà Nga chưa hoàn thành thử nghiệm. MiG 1.44 vốn là một loại máy bay chiến đấu được Cơ quan thiết kế quân sự Mikoyan của Nga nghiên cứu chế tạo vào những năm 1990. Theo báo chí Nga, J-20 có khả năng sử dụng động cơ AL-31FN do Nga nghiên cứu chế tạo.
Chuyên gia quân sự Anh Justin Bronk cho biết khả năng tàng hình của J-20 dường như ngay từ đầu đã thua F-22 và F-35. Một khi máy bay Trung Quốc đụng độ máy bay F-22 hay F-35, về căn bản còn chưa kịp phát hiện hình ảnh máy bay Mỹ, máy bay Trung Quốc đã có thể bị bắn hạ.
Máy bay chiến đấu F-22 của Mỹ |
Tuy nhiên, giới phân tích Trung Quốc vẫn tự tin cho rằng chính những bình luận trên đã chứng tỏ màn ra mắt của máy bay chiến đấu J-20 của Trung Quốc khiến nhiều nước lo ngại. Thông qua việc phát triển mạnh mẽ công nghệ hàng không như sản xuất máy bay tiêm kích J-20, siêu tên lửa Trường Chinh-05, Trung Quốc đang cho thế giới thấy quyết tâm xây dựng quân đội mạnh để bảo vệ lãnh thổ của họ là không thay đổi.
Từ năm 1979 đến nay, PLA chưa từng tham gia tác chiến trên chiến trường. Các thượng tướng, trung tướng quân đội hiện nay đại đa số đều chưa trải qua chiến tranh, nhận thức của họ đối với chiến tranh chỉ là trên sa bàn hoặc màn hình, vì thế luôn có ý nghĩ một chiều về môi trường chiến tranh, căn bản không phù hợp thực tế.
Tờ Đông phương cho biết sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua, Trung Quốc vui mừng cho rằng nguy cơ xung đột địa chính trị Trung Quốc-Mỹ đã giảm, nhưng trong đội ngũ cố vấn mà Tổng thống đắc cử Donald Trump tin dùng có cả Peter Navarro, chính khách nổi tiếng ủng hộ “Thuyết mối đe dọa từ Trung Quốc”. Theo Navarro, “Mỹ và Trung Quốc nhiều khả năng sẽ bùng nổ chiến tranh”.
Thực trạng hiện nay đặt ra câu hỏi lớn về khả năng của PLA trước mối đe dọa thực sự.
Theo Đông Triều (Đất Việt)