Hiện trường bệnh viện ở Gaza sau khi trúng đạn rocket
Chiến dịch mang tên Những thanh gươm sắt có mức độ tàn khốc chưa từng có và không giống bất cứ điều gì Israel từng làm ở Dải Gaza trước đây, các quan chức khu vực và phương Tây am hiểu về tình hình cho biết.
Israel đã huy động kỷ lục 360.000 quân dự bị và ném bom không ngừng vào vùng đất nhỏ bé sau cuộc tấn công của Hamas ngày 7/10, khiến khoảng 1.400 người thiệt mạng.
Ba quan chức khu vực nắm được tình hình trao đổi giữa Mỹ và các nhà lãnh đạo Trung Đông cho biết, chiến lược trước mắt của Israel là phá hủy cơ sở hạ tầng ở Dải Gaza, kể cả gây thương vong lớn cho dân thường, đẩy người dân về phía biên giới Ai Cập và đánh sập hệ thống đường hầm của Hamas mà lực lượng này đã xây dựng để thực hiện các hoạt động quân sự dưới lòng đất.
Tuy nhiên, các quan chức Israel cho biết họ không có ý tưởng rõ ràng về tương lai sau xung đột sẽ như thế nào.
Một nguồn tin ở Washington quen thuộc với vấn đề này cho biết, một số trợ lý của Tổng thống Mỹ Joe Biden lo ngại rằng dù Israel có thể xây dựng kế hoạch hiệu quả nhằm gây thiệt hại lâu dài cho Hamas, nhưng nước này vẫn chưa xây dựng được chiến lược rút lui.
Nguồn tin cho biết thêm, chuyến đi của Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đến Israel trong tuần qua đã nhấn mạnh sự cần thiết phải nghĩ đến kế hoạch thời hậu chiến cho Dải Gaza.
Các quan chức Ả-rập cũng lo ngại Israel chưa có kế hoạch rõ ràng cho tương lai của vùng đất mà Hamas quản lý từ năm 2006 và là nơi sinh sống của 2,3 triệu người.
Một nguồn tin an ninh khu vực cho biết: "Israel không có mục tiêu cuối cùng đối với Dải Gaza. Chiến lược của họ là thả hàng nghìn quả bom, phá hủy mọi thứ và tiến vào, nhưng sau đó thì sao? Họ không có chiến lược rút lui cho những ngày sau".
Cuộc tấn công trên bộ của Israel vẫn chưa bắt đầu, nhưng chính quyền ở Dải Gaza cho biết đến nay đã có 3.500 người Palestine thiệt mạng vì những cuộc oanh tạc trên không, khoảng một phần ba trong số đó là trẻ em. Số người chết trong giai đoạn này nhiều hơn bất kỳ cuộc xung đột nào trước đây giữa Hamas và Israel.
Trong chuyến thăm Israel ngày 18/10, Tổng thống Biden nói với Israel rằng “công lý cần được thực thi” với Hamas, nhưng ông cảnh báo rằng sau vụ tấn công khủng bố 11/9 ở New York, Mỹ đã phạm sai lầm.
"Đại đa số người Palestine không phải là Hamas. Hamas không đại diện cho người dân Palestine", ông nói.
Aaron David Miller, một chuyên gia về Trung Đông tại Tổ chức Carnegie vì Hòa bình quốc tế, cho rằng chuyến thăm của ông Biden là cơ hội để ông thúc ép nhà lãnh đạo Israel Benjamin Netanyahu suy nghĩ về các vấn đề như sử dụng vũ lực và kế hoạch dài hạn hơn cho Dải Gaza trước khi mở bất kỳ chiến dịch tấn công nào.
Giám đốc Hội đồng An ninh quốc gia Israel Tzachi Hanegbi nói với các phóng viên ngày 17/10: “Tất nhiên chúng tôi đang suy nghĩ về giải quyết vấn đề, điều này liên quan đến các đánh giá của Hội đồng An ninh quốc gia, quân đội và những người khác về tình hình sau này. Chúng tôi không biết chắc chắn điều này sẽ là gì".
Nhưng ông nói thêm: “Những gì chúng tôi biết là những thứ sẽ không xảy ra”, ý nói đến việc tiêu diệt Hamas.
Đó là điều nói dễ hơn làm.
Gaza là một thành phố ngầm với hệ thống đường hầm phức tạp. “Họ sẽ không thể đặt dấu chấm hết cho Hamas bằng xe tăng và hỏa lực", một nguồn tin khu vực nói với Reuters.
Theo một số chuyên gia quân sự, cánh vũ trang của Hamas, tức Lữ đoàn Ezzedine al-Qassam, đã huy động lực lượng để chuẩn bị cho khả năng quân đội Israel tiến vào, bằng cách cài đặt mìn chống tăng và gài bẫy bằng thiết bị nổ để phục kích.
Cuộc tấn công sắp tới của Israel được nhận định sẽ lớn hơn nhiều so với các chiến dịch trước đây ở Dải Gaza mà giới chức Israel từng gọi là "cắt cỏ", nên chỉ làm suy giảm khả năng quân sự của Hamas mà không loại bỏ được lực lượng này.
Israel từng trải qua ba cuộc xung đột trước đây với Hamas, vào các năm 2008-2009, 2012 và 2014, nhưng chưa từng thề "sẽ tiêu diệt Hamas mãi mãi" như lần này.
Washington không lạc quan nhiều về khả năng Israel sẽ tiêu diệt hoàn toàn Hamas. Giới chức Mỹ cũng nhận thấy rất ít khả năng Israel muốn giữ lãnh thổ Dải Gaza hoặc tái chiếm nó, nguồn tin Mỹ cho biết.
Theo nguồn tin này, một kịch bản có nhiều khả năng xảy ra là lực lượng Israel sẽ giết hoặc bắt giữ càng nhiều thành viên Hamas càng tốt, cho nổ tung các đường hầm và xưởng tên lửa, sau đó tìm cách tuyên bố chiến thắng và rút lui.
Hiện đang có nỗi lo lớn rằng chiến tranh sẽ bùng nổ và vượt khỏi Dải Gaza, khi lực lượng Hezbollah được Iran hậu thuẫn ở Li-băng có thể mở mặt trận mới để hỗ trợ Hamas.
Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian đã cảnh báo về khả năng "đánh phủ đầu" Israel nếu nước này xâm lược Dải Gaza. Cuối tuần trước, ông nói rằng Iran sẽ không đứng ngoài nhìn nếu Mỹ không kiềm chế được Israel.
Washington đã cử hai nhóm tấn công tàu sân bay đến phía đông Địa Trung Hải vì lo rằng Hezbollah có thể tham gia trận chiến từ biên giới phía bắc của Israel.
Các nguồn tin trong khu vực cho biết, Washington đang đề xuất hỗ trợ thêm cho Chính quyền Palestine (PA). PA để mất quyền kiểm soát Dải Gaza vào tay Hamas từ năm 2007, nhưng có rất nhiều nghi ngờ về khả năng PA hoặc bất kỳ lực lượng nào khác có thể quản lý vùng đất ven biển nếu Hamas bị đuổi ra ngoài.
Miller, người từng là nhà đàm phán Trung Đông của Mỹ, bày tỏ hoài nghi sâu sắc về khả năng thành lập chính phủ hậu Hamas để cai trị Dải Gaza.
"Tôi có thể vẽ cho bạn một bức tranh phù hợp hơn với một thiên hà xa xôi chứ không phải trên Trái đất về cách bạn có thể kết hợp Liên Hợp Quốc, Chính quyền Palestine, Ả-rập Xê-út, với Mỹ dẫn đầu để tạo nên thay đổi cơ bản, biến Dải Gaza từ một nhà tù ngoài trời trở thành một nơi tốt đẹp hơn nhiều", ông nói.
Theo Thu Loan (Tiền Phong)