Hải quân Mỹ có kế hoạch mở rộng đội tàu nhằm đối phó với những thách thức đang gia tăng trên toàn cầu.
Hải quân Mỹ vừa công bố báo cáo mang tên “Đánh giá cấu trúc lực lượng năm 2016” nhằm đánh giá các yêu cầu dài hạn về an ninh quốc phòng của lực lượng này. Trong đó, hải quân nhấn mạnh nhu cầu tăng cường lực lượng để tiếp tục duy trì ưu thế trên các vùng biển.
Siêu hải quân
Hiện hải quân Mỹ đang sở hữu tổng cộng 273 tàu chiến. Theo báo cáo mới, lực lượng này cần có 355 tàu, tức phải bổ sung 83 tàu nữa. Cụ thể, số tàu sân bay tăng từ 11 lên 12 chiếc, tàu nổi cỡ lớn từ 88 lên 104 chiếc, tàu tác chiến đổ bộ từ 34 lên 38 chiếc, tàu ngầm tấn công từ 48 lên 66 chiếc. Tàu hậu cần tác chiến được đề xuất tăng từ 29 lên 32 chiếc, tàu yểm trợ viễn chinh từ 3 lên 6 chiếc, tàu chỉ huy và yểm trợ tăng từ 21 lên 23 chiếc.
Ước tính kế hoạch xây dựng lực lượng “siêu hải quân” của Mỹ có thể sẽ cần khoản kinh phí 126,4 tỉ USD. Đây không phải là con số ngoài tầm với khi tổng dự toán ngân sách dành cho hải quân nước này trong năm 2017 lên đến 164,9 tỉ USD.
Chuyên san The National Interest dẫn báo cáo nhận định bối cảnh an ninh toàn cầu đã có nhiều thay đổi trong 2 năm qua. Các “đối thủ tiềm tàng” của Mỹ đang phát triển những khả năng có thể gây tổn hại cho sức mạnh quân sự truyền thống và ưu thế công nghệ của Washington. “Để tiếp tục bảo vệ nước Mỹ cùng các lợi ích chiến lược trên toàn thế giới cũng như để cạnh tranh với Trung Quốc và Nga, hải quân của chúng ta phải tiếp tục phát triển”, Bộ trưởng Hải quân Ray Mabus nhấn mạnh.
Bản đánh giá mới được công bố giữa lúc Trung Quốc tiếp tục có những hành động khuếch trương sức mạnh trên các vùng biển xung quanh nước này. Hồi giữa tháng 12, Trung Quốc triển khai hàng không mẫu hạm Liêu Ninh tham gia tập trận bắn đạn thật ở ngoài khơi biển Bột Hải gần Hàn Quốc. Đến hôm 25.12, đội tàu sân bay tiếp tục tiến ra vùng biển tây Thái Bình Dương để “diễn tập thường niên”, theo Tân Hoa xã, trước khi tiến xuống Biển Đông để neo đậu tại căn cứ trên đảo Hải Nam.
Gần đây, Trung Quốc cũng gây tranh cãi khi bất ngờ thu giữ thiết bị lặn không người lái của hải quân Mỹ ở vùng biển quốc tế gần Philippines trước khi trao trả lại.
Trong khi đó, Nga phô diễn sức mạnh hải quân đầy ấn tượng trong cuộc xung đột tại Syria bằng cách điều đội tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov đến Địa Trung Hải.
Nhu cầu phủ sóng
Hải quân Mỹ hiện có 10 tàu sân bay hoạt động. Sang năm 2017, lực lượng này sẽ có thêm tàu USS Gerald R.Ford nhưng phải mất thêm một thời gian nữa có thể triển khai ra nước ngoài do phải qua quá trình chạy thử. Trong một thời gian dài, Mỹ cố gắng bảo đảm sự hiện diện của tàu sân bay tại Trung Đông và Thái Bình Dương. Tuy nhiên vào thời điểm hiện nay chỉ có 1 tàu có mặt tại Địa Trung Hải và không có tàu nào ở Thái Bình Dương sau khi tàu USS George Washington rời căn cứ tại Nhật Bản để về nước nâng cấp.
Theo phân tích của chuyên trang USNI, hải quân cần bổ sung tàu sân bay để vừa phục vụ tốt hơn nhu cầu phủ sóng toàn cầu vừa cho phép các tàu có đủ thời gian bảo dưỡng và huấn luyện.
Bên cạnh đó, số tàu nổi cỡ lớn được tăng cường nhằm nâng cấp năng lực hộ tống tàu sân bay trong bối cảnh giới chức hải quân Mỹ ngày càng lo ngại việc Trung Quốc không ngừng phát triển tên lửa diệt hạm. Bên cạnh đó, Washington cũng cần nâng cấp hệ thống tác chiến Aegis trên tàu khu trục lớp Arleigh Burke nhằm đảm bảo khả năng đối phó cùng lúc tên lửa hành trình, chiến đấu cơ và tên lửa đạn đạo.
Cũng theo USNI, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương và Bộ Tư lệnh châu Âu của Mỹ từng báo cáo trước quốc hội rằng họ chỉ nhận được 60% số tàu ngầm hạt nhân theo yêu cầu vào thời điểm Nga lẫn Trung Quốc đều gia tăng hoạt động tàu ngầm. Do đó, hải quân Mỹ đang tập trung tăng cường khả năng tấn công và tàng hình của tàu ngầm lớp Virginia.
Về tàu tác chiến đổ bộ, con số 38 chiếc được đề nghị trong báo cáo là nhằm đáp ứng yêu cầu trước mắt của lực lượng thủy quân lục chiến. Tuy nhiên hải quân cũng cho rằng phải cần tới 50 tàu thì mới có thể đảm bảo sự hiện diện trên khắp thế giới.
Đón đầu chính quyền mới Theo The National Interest, báo cáo mới của hải quân được soạn thảo để đón đầu chính quyền của Tổng thống đắc cử Donald Trump, vốn đã cam kết sẽ tăng mạnh chi tiêu quốc phòng. Hồi tháng 9, ông Trump kêu gọi mở rộng đội tàu chiến lên 350 chiếc, đồng thời tăng cường lực lượng lục quân, lính thủy đánh bộ cũng như tăng số máy bay của không quân trong nỗ lực “giúp nước Mỹ vĩ đại trở lại”. |
Theo Trùng Quang (Thanh Niên Online)