Ngoài được Bộ Tài chính Mỹ coi là “bố già ma túy thế giới”, Joaquin Guzman được nhiều người biết tới hơn vì khả năng vượt ngục như phim.
Những trùm ma túy trong loạt bài này đều cực kỳ ghê gớm, không chỉ từng làm mưa làm gió trong xã hội đen mà còn thao túng và giết người tàn độc cả trong chính trường. Nhưng cái giá cuối cùng chúng phải trả cũng rất đắt. |
Joaquin Guzman sinh ra trong một gia đình nghèo khó và cha ruột thường xuyên bạo hành y. Năm 15 tuổi, Guzman tự trồng cần sa, bán lấy tiền nuôi mẹ. Năm 20 tuổi, khi thấy ở quê hương quá ít cơ hội “đổi đời”, y đi theo người chú ruột và gia nhập băng nhóm tội phạm có tổ chức. Cũng từ nhỏ, Guzman đã bị bạn bè gọi bằng biệt danh “El Chapo - Thằng lùn”. Khi trưởng thành, y chỉ cao 1m68.
Năm 1970, Guzman làm việc cho trùm ma túy Hector Palma với nhiệm vụ vận chuyển hàng và giám sát quy trình cung cấp ma túy gần biên giới Mỹ bằng máy bay. Guzman là một kẻ rất tham vọng nên được các ông trùm để ý và từ đó y được chia cổ phần nhiều hơn trong đường dây bất chính.
Guzman lúc chưa bị bắt và đang quay phỏng vấn. |
Phong cách làm việc của Guzman giống trùm ma túy khét tiếng nhất thế giới người Colombia - Pablo Escobar: hắn tôn trọng sự đúng giờ và sẵn sàng nhả đạn bất kì kẻ nào trái lời. Rất nhiều tên buôn bán ma túy trễ giờ và hậu quả là phải chịu một phát đạn giữa trán để tạ tội. Những kẻ quen biết Guzman hiểu rằng dù bên khác đưa ra giá tốt hơn thì việc phản bội lại El Chapo cũng là điều cấm kị.
Nhờ “tác phong chuyên nghiệp” mà Guzman được giới thiệu cho ông trùm Felix Gallardo, một nhân vật cộm cán nhất Mexico. Lúc bấy giờ, Guzman làm tài xế cho Felix rồi chuyển qua phụ trách kho vận và chuyển hàng từ Colombia tới Mexico. Felix nhanh chóng tin tưởng Guzman và cho hắn trực tiếp tham gia đường dây của mình.
Thập niên 70-80, Mexico vẫn chỉ là “sân sau” của giới buôn ma túy Nam Mỹ khi “sân nhà” ở Colombia. Giữa thập niên 80, lực lượng hành pháp Mỹ tăng cường trấn áp và băng nhóm như Medellin của Pablo Escobar hay Cali đã bị chặn đứng ở vành đai Caribe. Sau đó, việc buôn bán ma túy được chuyển nhiều hơn sang Mexico do lợi nhuận lớn và ít bị chính quyền Mỹ “soi”.
"Chuột chũi" bị bắt năm 2014. |
Thời kỳ này, Mỹ bắt đầu cài cắm nhân viên điều tra vào các đường dây ma túy để chỉ điểm. Một mật vụ Mỹ mang tên Enrique Salazar làm cho Felix đã cung cấp thông tin để cảnh sát đột kích vào nông trường của băng nhóm Guadalajara và phá hủy lượng lớn cần sa trồng ở đây. Điều này khiến ông trùm Felix Gallardo nổi giận và ngay sau đó, mật vụ này bị bắt giữ, giết hại và tra tấn dã man.
Washington tức giận sau cái chết của mật vụ Mỹ và Mexico thực hiện cuộc săn lùng lớn nhằm tìm những kẻ liên đới. Chính sự kiện này giúp Guzman tranh thủ thời cơ và chiếm nhiều hơn các đường dây buôn bán ma túy. Năm 1989, Felix bị bắt và băng nhóm Guadalajara chia năm xẻ bảy. Guzman kiểm soát đường dây tuồn ma túy từ Sonora và Baja California vào 2 bang Arizona và California (Mỹ).
Lần đầu tiên Guzman bị chính quyền Mỹ để ý là năm 1987 khi nhiều nhân chứng xác nhận Guzman là ông trùm thực sự của một đường dây mang tên Sinaloa. Một cáo buộc công bố rằng Guzman đã chuyển 2 tấn cần sa và 4.700kg cocaine vào Mỹ, thu hơn 1,5 triệu USD tiền lãi.
Để dễ bề lẩn trốn và qua mặt lực lượng chức năng, Guzman buộc các tay sai phải chia nhỏ ma túy thành từng kiện nhỏ rồi mới tuồn vào Mỹ. Ngoài ra, Guzman còn đóng ma túy vào những hộp thiếc chứa hồ tiêu mang nhãn “La Comadre” rồi dùng tàu hỏa chở vào Hoa Kỳ. Sau đó, phía tội phạm bên Mỹ sẽ gửi vali toàn đô-la Mỹ cho Guzman. Những nhân viên hải quan ở sân bay đã bị mua chuộc nên hầu như không để mắt tới những vali tiền tấp nập cập bến Mexico.
Cảnh sát Mexico công bố hình ảnh trùm ma túy Joaquin Guzman. |
Băng nhóm Sinaloa của Guzman ở thời điểm y bị bắt giữ là thế lực hùng mạnh và khủng khiếp nhất Mexico. Chúng đã tuồn hàng tấn cocaine vào Mỹ bằng đường biển, hàng không và đường bộ. Thậm chí, Đông Nam Á cũng tiêu thụ loại ma túy “đóng mác” Guzman.
Nhờ ma túy, Guzman trở thành tỉ phú và xếp hạng người giàu thứ 10 ở Mexico với tổng tài sản hơn 1 tỉ USD. Để hỗ trợ buôn bán ma túy, băng Sinaloa xây một đế chế vận tải của riêng mình. Guzman được Bộ tài chính Mỹ gọi là “trùm ma túy vĩ đại nhất lịch sử”, vượt qua cả Pablo Escobar và được tôn làm “bố già ma túy thế giới”.
Guzman có khoảng 4 biệt thự, 43 siêu xe và 5 nông trại cùng hàng chục máy bay chuyên chở ma túy. Thời điểm bị bắt năm 2014, Guzman đã tuồn vào Mỹ số lượng ma túy nhiều hơn bất kì kẻ nào khác. Guzman cũng rất nhanh nhạy khi các băng nhóm đối thủ bị trấn áp để mở rộng chân rết.
Nhiều người hy vọng an ninh cẩn mật sẽ không để Guzman "sổng" thêm một lần nữa. |
Ngoài bị gọi là “Thằng lùn”, Guzman nổi danh vì khả năng vượt ngục tài tình của mình. Năm 1993, y bị bắt ở Guatemala nhưng năm 2001 lại trốn thoát bằng cách hối lộ cai tù và trốn trong xe chở đồ giặt. Năm 2014 Guzman bị bắt khi đang nghỉ ngơi ở khu resort tại Mexico.
Tháng 7.2015 y lại vượt ngục thành công ra ngoài bằng đường hầm và bị bắt lại sau đó ít tháng. Hiện tại Guzman đang được giam ở một nhà tù thuộc loại "địa ngục trần gian" ở Mexico, sát biên giới Mỹ và có thể bị dẫn độ sang Mỹ.
Để vượt ngục thành công, Guzman đã phải mua chuộc toàn bộ hệ thống nhân viên cai ngục và nhân viên, đồng thời cho đàn em sang Đức học công nghệ đào hầm. Được biết, “chi phí” để Guzman vượt ngục năm 2015 lên tới 50 tỉ đồng.
Phòng giam của Guzman sau khi y vượt ngục lần 2 có lớp bê tông dày 1m và bị chuyển phòng liên tục. Ngoài nhân viên giám sát 24/24, nhà tù có hệ thống hàng nghìn camera an ninh dày đặc và cảnh khuyển hỗ trợ giám sát. Phía ngoài nhà tù còn có xe tăng và xe bọc thép canh gác. Nhưng ngay cả như vậy, người ta vẫn chưa hoàn toàn yên tâm với tên trùm có biệt danh "vua đường hầm" này.
Theo Quang Minh (Dân Việt)