Vụ nổ khủng khiếp ngay lập tức làm đổ sụp mặt phía bắc của tòa nhà 9 tầng, giết hại hơn 100 người và khiến hàng chục người khác bị mắc kẹt trong đống đổ nát.
Các đội cứu hộ khẩn cấp từ khắp nước Mỹ ngay lập tức được điều tới hiện trường vụ nổ ở Oklahoma. Khi các nỗ lực giải cứu và khắc phục sự cố hoàn tất hai tuần sau đó, số nạn nhân tử vong đã lên tới 168 người, bao gồm cả 19 trẻ em.
Các thống kê ghi nhận, tổng cộng hơn 680 người khác bị thương, hơn 300 tòa nhà trong vòng bán kính 16 khối phố bị hủy hoại và 86 xe ô tô bị thiêu cháy hoặc phá hỏng. Tổng thiệt hại ước tính ít nhất 652 triệu USD.
Đây là vụ đánh bom gây thương vong nhiều nhất ở Mỹ trong vòng 75 năm (tính đến thời điểm đó) và cũng là vụ tấn công khủng bố tồi tệ nhất từng diễn ra trên đất Mỹ cho mãi tới sự kiện 11/9/2001.
Chiến dịch truy nã ráo riết các nghi phạm đã dẫn tới việc nhà chức trách bắt giữ Timothy McVeigh, một cựu binh Mỹ 27 tuổi vào ngày 21/4/1995. McVeigh có nhân dạng trùng khớp với mô tả của nhiều nhân chứng về một người đàn ông khả nghi tại hiện trường đánh bom.
Cùng ngày, Terry Nichols, tòng phạm của McVeigh ra đầu thú tại Herington, Kansas sau khi nghe tin cảnh sát đang săn lùng hắn. Cả hai đều là thành viên của một tổ chức cánh hữu cực đoan ở Michigan.
Ngày 8/8/1995, John Fortier, một kẻ biết về kế hoạch đánh bom tòa nhà liên bang của McVeigh, đồng ý ra làm chứng chống lại McVeigh và Nichols để đổi lấy việc giảm án. Hai ngày sau đó, McVeigh và Nichols chính thức bị truy tố vì các tội giết người và đồng lõa.
McVeigh được xác định là kẻ chủ mưu và trực tiếp tiến hành vụ đánh bom xe tải. Trong khi đó, Nichols, bạn từ thời còn trong quân ngũ của McVeigh đã giúp hắn chế tạo bom từ 2.200kg ammoni nitrat và dầu.
Về sau, McVeigh thú nhận động cơ gây án của hắn là trả đũa hai hai cuộc vây ráp giáo phái Branch Davidian của Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI), khiến 80 thành viên tổ chức này thiệt mạng.
Hắn thậm chí nói với các phóng viên nhật báo Buffalo News rằng, bản thân "rất lấy làm tiếc" vì cái chết của 19 em nhỏ trong sự cố. Theo McVeigh, nếu biết tại thời điểm đánh bom có nhiều trẻ em trong tòa nhà Murrah, hắn đã chọn một địa điểm khác.
Các nhà phân tích nhận định, việc McVeigh theo đuổi kế hoạch vụ đánh bom khủng bố còn bắt nguồn từ chính sự bất mãn của hắn đối với chế độ Mỹ lúc bấy giờ.
Dù từng là binh sĩ Mỹ tham gia Chiến tranh Vùng Vịnh vào đầu năm 1991 và được thưởng nhiều huy chương cho sứ mệnh này, McVeigh vẫn phải giải ngũ vào cuối năm 1991 trong một đợt cắt giảm quân số của quân đội Mỹ.
Kết cục của Chiến tranh Lạnh cùng với việc chính trị gia Dân chủ Bill Clinton, người ủng hộ việc kiểm soát súng ống đắc cử Tổng thống Mỹ càng làm cho McVeigh hoài nghi và căm ghét chính quyền liên bang.
Sau hơn 2 năm xét xử, ngày 2/6/1997, McVeigh bị kết tội giết người và đồng lõa. Ngày 14/8/1997, theo đề xuất của bồi thẩm đoàn, hắn bị tuyên phạt tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc.
Trong khi đó, Nichols phải lĩnh án chung thân, không được ân xá vì các tội danh ngộ sát và đồng lõa.
Michael Fortier cũng bị kết án 12 năm tù giam và phải nộp phạt 200.000USD vì không thông báo với cảnh sát kế hoạch đánh bom của McVeigh.
Tháng 12/2000, McVeigh yêu cầu thẩm phán liên bang Richard Matsch ngưng xem xét mọi kiến nghị kháng cáo đối với trường hợp của hắn và định ngày xử tử. Đề nghị của McVeigh được phê chuẩn.
Ngày 11/6/2001, McVeigh, 33 tuổi rốt cuộc cũng bị tử hình bằng tiêm thuốc độc tại nhà tù ở Terre Haute,Indiana. Hắn là tù nhân liên bang đầu tiên bị hành quyết kể từ năm 1963.
Theo Tuấn Anh (VietNamNet)