Các phi công của Ấn Độ trên máy bay tiêm kích Su-30MKI đã phát hiện và theo dõi các chuyến bay của máy bay tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5 của Trung Quốc J-20 ở khu vực Tây Tạng, đại diện Không quân Ấn Độ tiết lộ.
Trước đó, vào tháng 1/2018 Trung Quốc đã triển khai các máy bay chiến đấu J-10, J-11 ở một căn cứ không quân gần biên giới và tiến hành các cuộc diễn tập.
Các phi công Ấn Độ trên máy bay tiêm kích Su-30MKI cũng đã theo dõi toàn bộ cuộc diễn tập của quân đội Trung Quốc trên không phận của họ.
Hệ thống radar trên tiêm kích này đã quan sát được chúng. Su-30MKI là phiên bản máy bay tiêm kích hạng nặng Su-30 dành cho Ấn Độ.
Chiếc máy bay này được trang bị hệ thống ăng ten mảng pha. Đặc trưng của hệ thống radar này là độ phân giải cao và hiệu suất lớn. Loại radar này có thể dẫn đường cho các tên lửa hướng đến mục tiêu trên không và đất liền.
Điều này chỉ ra rằng, các máy bay tiêm kích mới của Trung Quốc có khả năng tàng hình kém.
Để phát hiện ra chúng không cần những công nghệ đặc biệt nào, kể cả J-20 cũng được phát hiện bởi các hệ thống radar thông thường, Tư lệnh Không quân Ấn Độ cho biết.
Người đứng đầu Không quân Ấn Độ cho biết rằng, một trong những mục đích của Không quân Trung Quốc ở khu vực biên giới là nghiên cứu các hệ thống phòng không của Ấn Độ và tìm cách xâm nhập bí mật vào lãnh thổ của Ấn Độ.
Tuy nhiên rõ ràng việc để Su-30MKI phát hiện và theo dõi cho thấy họ không hoàn thành mục tiêu đặt ra, đồng thời cho thấy những hạn chế của tiêm kích Trung Quốc.
Vị Tư lệnh còn tiết lộ thêm rằng, để bảo vệ không phận phía đông bắc nước này, họ đã đặt mua các hệ thống phòng không S-400 “Triumph” của Nga, đây được coi là hệ thống phòng không tốt nhất trên thế giới hiện tại.
Một trong những nhiệm vụ của “Triumph” đó là chống lại các máy bay tàng hình và tên lửa đối phương.
Chehgdu J-20 là chiếc máy bay tiêm kích tàng hình đa năng thế hệ thứ 5 của Trung Quốc. Các chuyên gia phân tích khẳng định rằng, nhiều công nghệ trên máy bay này sao chép từ những máy bay tiêm kích của Mỹ như F-22 và F-35.
Máy bay này chính thức phục vụ trong lực lượng vũ trang Trung Quốc năm 2017, 9 nguyên mẫu đã được xây dựng và 2 mẫu được chế tạo trước khi đi vào sản xuất hàng loạt.
J-20 có thiết kế hình khá độc đáo trông giống như dự án máy bay tiêm kích tàng hình MiG 1.44 của Nga vốn không được sản xuất hàng loạt. Ngoài ra, vật liệu tàng hình được cho là dựa trên cơ sở chiếc F-117 hoặc của máy bay B-2 Spirrit.
Tuy nhiên, phía Trung Quốc khẳng định rằng, máy bay này là sản phẩm hoàn toàn nội địa và có thể sánh ngang với tiem kích thế hệ thứ 5 F-22 của Mỹ hay Su-57 của Nga.
Theo Nguyễn Đông (Đất Việt)