Đây là số ca tử vong vì Covid-19 cao nhất trong một ngày mà nước này ghi nhận được từ khi dịch bệnh bùng phát. Trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp ở Italy và nhiều nước châu Âu, WHO cho rằng trung tâm dịch Covid-19 không còn ở Trung Quốc, mà hiện là châu Âu.
"Nhiều các ca nhiễm được ghi nhận hàng ngày tại châu Âu hơn là tại Trung Quốc ở thời điểm đỉnh dịch," tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói, cho rằng việc đã ghi nhận 5.000 người chết vì dịch bệnh Covid-19 là "một cột mốc bi thảm".
"Đừng để dịch bệnh tiếp tục bùng phát. Hãy cách ly người nhiễm bệnh," ông kêu gọi.
Cách đây ít ngày, Italy cũng đã từng ghi nhận số ca tử vong trong một ngày lên tới gần 200.
Tỷ lệ tử vong vì Covid-19 của Italy lên tới gần 7%, cao hơn nhiều so với hầu hết các nước khác. Giới chức y tế Italy cho rằng điều này xảy ra là bởi dân số già của Italy chiếm tỷ lệ khá lớn, trong khi đa phần các bệnh nhân tử vong vì căn bệnh đều là người cao tuổi có bệnh lý phức tạp.
Tuy vậy, cũng có những lý giải khác được đưa ra. Nhà virus học Ilaria Capua ở đại học Floria cho rằng nhiều bệnh nhân Italy tử vong do nhiễm vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh ở các bệnh viện nước này.
Một lý do khác có thể là bởi hệ thống y tế vùng Lombardy đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc điều trị tích cực cho các bệnh nhân nguy kịch.
Bộ Y tế Italy cho biết nước này có thể bổ sung thêm 50% số lượng đơn vị điều trị tích cực sẵn có, tuy vậy một nguồn tin của bộ nói với Reuters hôm 13/03 rằng ngay cả khi điều này được thực hiện, "mọi chuyện vẫn sẽ rất khó khăn với các vùng như Lombardy, nếu không thể kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh".
Giuseppe Remuzzi, người đứng đầu viện dược lý học Mario Negri nói với nhật báo Corriere della Sera rằng người dân Italy có tâm lý "sợ" tới bệnh viện, và thường không gọi cấp cứu cho tới khi có triệu chứng khó thở.
Đan Anh (Nguoiduatin.vn)