ISS và chuyện về "con voi trắng quay quanh quỹ đạo"

03/01/2016 10:39:51

Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) là kiệt tác kỹ thuật và minh chứng cho tài năng của con người, nhưng công trình được ước tính hơn 100 tỷ USD còn nhiều bí mật khác.

Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) là kiệt tác kỹ thuật và minh chứng cho tài năng của con người, nhưng công trình được ước tính hơn 100 tỷ USD còn nhiều bí mật khác.

Phóng viên Richard Hollingham của BBC, người chứng kiến lần phóng cấu trúc đầu tiên của ISS năm 1998, thực hiện bài viết với những câu chuyện chi tiết xoay quanh công trình phức tạp bậc nhất của nhân loại.

Ngày 20/11/1998: Zarya

Tôi chưa bao giờ thấy lạnh như vậy. Co mình trong cơn gió rét buốt giữa thảo nguyên Kazakhstan, tôi áp điện thoại vào tai và cố gắng tường thuật qua đài BBC về sự kiện phóng khối đầu tiên của ISS.

Hôm ấy tôi là một trong ba nhà báo quốc tế có cơ hội này. Nhưng người Nga không cho phép giới truyền thông quốc tế vào khu vực bí mật tuyệt đối ở sân bay vũ trụ Baikonur. Đằng sau chúng tôi, một chiếc loa đã cũ kỹ phát những thông tin chi tiết trước vụ phóng tên lửa Proton mang theo khối (module) Zarya.

Hoạt động đếm ngược không diễn ra. Đến giờ, tên lửa phóng vút lên không trung. Vài giây sau, tiếng ồn lớn dần và âm thanh gầm khàn tan biến theo những đám mây.

Thời tiết khá ảm đạm, nhưng tôi không thể phủ nhận mọi thứ đã diễn ra rất ngoạn mục. Tin tức tràn ngập các bản tin thời sự buổi tối hôm đó. Nhưng cùng lúc, nhiều câu chuyện khác bắt đầu được bàn luận, đa phần thể hiện sự hoài nghi, do dự án vượt quá ngân sách và khởi động chậm hơn một năm so với kế hoạch.

Hầu hết nhân vật mà tôi phỏng vấn đều nghi ngờ việc chương trình không gian tham vọng có thể diễn ra trọn vẹn hay không. Dù ký kết vào thỏa thuận ISS ban đầu, Anh từ chối chuyển tiền cho dự án. Một quan chức cấp cao của chính phủ Anh nói rằng đây là "một con voi trắng quay quanh quỹ đạo".

"Nội bộ NASA dường như quá lạc quan, trong khi mọi người ngoài NASA có vẻ đều hoài nghi về những dự án lớn như vậy", Valerie Neal, nhà sử học của Bảo tàng Không gian Quốc gia ở Washington, nói. Theo bà, không có lý do nào để xếp xó kế hoạch, nhưng lại có nhiều mối đe dọa. Trong cuộc bỏ phiếu duy nhất của Quốc hội Mỹ, các nghị sĩ suýt hủy dự án.

ISS không chỉ đơn thuần mang sứ mệnh không gian. Vai trò chính trị và ngoại giao của công trình cũng quan trọng như chính tham vọng khoa học của nó.

"Nó là biểu tượng khẳng định những thứ mà các quốc gia có công nghệ tiên tiến và tham vọng có thể làm", Neal nói.


Skylab là kế hoạch mới của NASA sau khi chinh phục thành công Mặt Trăng. Ảnh: NASA
Tháng 4/1971: Salyut 1

Ý tưởng xây dựng một trạm không gian hình thành từ hơn một thế kỷ trước. Đây là bước tiến logic đối với các nước phát triển về khoa học không gian, khi họ có các chương trình trong quỹ đạo và kế hoạch dài hơi lên Mặt Trăng hay sao Hỏa.

Những năm 1950, vào thời kỳ bình minh của kỷ nguyên vũ trụ, các kỹ sư và nhà nghiên cứu như Wernher von Braun đã vạch ra kế hoạch xây dựng một trạm nghiên cứu có người ở vĩnh viễn, làm bước đệm cho các hành trình đến không gian.

"Mọi thứ vẫn chỉ là ý tưởng trong đầu cho đến năm 1961. Khi Tổng thống John Kennedy nói rằng 'Không, chúng ta sẽ chạy nước rút lên Mặt Trăng, toàn bộ ý tưởng về một trạm không gian bị gác lại'", nhà sử học của NASA Bill Barry cho biết.

Với việc giành thắng lợi trong cuộc đua lên Mặt Trăng, NASA quay lại với câu chuyện xây trạm vũ trụ cùng một tàu con thoi có thể sử dụng nhiều lần và trình kế hoạch với Nhà Trắng. Sau gần hai năm thảo luận, họ có câu trả lời.

"Quyết định được đưa ra là chế tạo tàu con thoi. Tổng thống Nixon nhận ra rằng họ thực ra không cần xóa bỏ ngành công nghiệp vũ trụ và lựa chọn ít tốn kém nhất là một hệ thống tàu vũ trụ quỹ đạo thấp của trái đất", Barry kể lại.

Nhưng hỗ hổng dễ nhận thấy trong kế hoạch là nếu không có trạm vũ trụ, thì chế tạo tàu con thoi cũng vô ích. Trong khi đó, Liên Xô nhận thấy một cơ hội khác.

"Họ có một chương trình rất lớn để đánh bại người Mỹ. Vì không muốn thừa nhận công khai, nên câu trả lời của họ là 'Chúng tôi đang lên kế hoạch xây một trạm không gian từ đầu'", Barry nói.

Trong khi Mỹ tiếp tục sứ mệnh Apollo lên Mặt Trăng, ngày 19/4/1971, Liên Xô phóng Salyut 1 - trạm không gian đầu tiên của thế giới. Hai tháng sau, một phi hành đoàn gồm ba người kết nối với cấu trúc này và bắt đầu ba tuần sống trong môi trường khác trái đất.

Ngày 29/6, ba phi hành gia lên tàu vũ trụ Soyuz để trở về. Nhưng trong quá trình bay trở lại bầu khí quyển trái đất, một van lỗi bất ngờ mở ra, hút không khí ra khỏi khoang tàu. Không có trang phục du hành, phi hành đoàn đã thiệt mạng chỉ trong vài giây.

Tháng 5/1973: Skylab

Khi chương trình Mặt Trăng bị giới hạn và kế hoạch tàu con thoi vẫn còn nằm trên bản vẽ, NASA đã có tên lửa Saturn 5 và trạm Skylab.

"Skylab rất quan trọng, nó thu hút sự quan tâm đến việc có một trạm lâu dài hơn. Thay vì phải thiết kế mỗi phần, chúng ta chỉ cần chuẩn bị những thứ có sẵn và điều chỉnh nó thành thứ có thể sử dụng cho mục đích khác nhau", cựu kỹ sư NASA David Baker cho hay.

Theo Baker, khối cấu trúc thứ ba của Saturn 5 có các ngăn riêng biệt và phi hành đoàn có thể ở đó ba tháng. Hai trạm không gian Skylab được chế tạo hoàn thiện, nhưng chỉ một được phóng.

Skylab có nhiều phòng thí nghiệm, khu vực nghỉ ngơi dành cho phi hành gia và vòi sen. Phía trên khoang là một khu vực mở, nơi nhà du hành có thể tận hưởng cảm giác rùng mình khi nhào lộn ở môi trường không trọng lực.

Neal mô tả Skylab giống một ngôi nhà và giúp họ cảm nhận được mong muốn có sự hiện diện của con người trong không gian. Theo một cách nào đó, ISS chính là phiên bản cải tiến từ Skylab.


Phi hành gia sống trong môi trường không trọng lực. Ảnh: NASA
Nhiệm vụ đầu tiên là một trong những thách thức lớn nhất NASA từng thực hiện. Trong lúc phóng Skylab ngày 14/5/1973, lá chắn bảo vệ và một tấm pin lượng mặt trời bị rách bung và đứt gãy, một tấm pin khác chỉ hoạt động một phần. Khi phi hành đoàn đầu tiên đến nơi 11 ngày sau đó, việc của họ là cứu Skylab. Trong 9 tháng, ba phi hành đoàn đã sống và làm việc tại đây.

Các nhiệm vụ của trạm không chỉ chứng minh rằng có thể sửa chữa và bảo dưỡng trong vũ trụ, mà còn giúp đánh giá lại mối liên lạc giữa trạm kiểm soát trên mặt đất và nhà du hành.

Tháng 1/1984: Freedom

Trong bài phát biểu ngày 25/1/1984, tổng thống Mỹ Ronald Reagan khẳng định sẽ chỉ đạo NASA phát triển một trạm không gian có người vĩnh viễn và hoàn thiện kế hoạch trong một thập kỷ.

Reagan đồng thời nói rằng NASA sẽ mời các quốc gia khác tham gia nhằm củng cố hòa bình, tạo dựng sự thịnh vượng và mở rộng quyền tự do cho tất cả những ai cùng chia sẻ mục tiêu chung.

Trạm không gian quốc tế Freedom ra đời, đánh dấu bước nhảy vọt quan trọng trong nghiên cứu khoa học, thúc đẩy đầu tư tư nhân trong lĩnh vực không gian và hỗ trợ điểm đến cho tàu con thoi.

Trạm có phòng thí nghiệm, nơi ở và chăm sóc y tế, khu vực sửa chữa và có thể làm cơ sở trung gian cho các cuộc thám hiểm Mặt Trăng hay sao Hỏa. Tuy nhiên, chương trình gần như không đúng với dự kiến của Tổng thống Reagan và phải mất ít nhất bốn năm các đối tác quốc tế mới đồng ý thiết kế cuối cùng.

Tháng 2/1994: Shuttle-Mir

Trong lúc Freedom còn bị bó buộc trong các ý kiến trái chiều, các nhóm phi hành gia đã sống trên trạm vũ trụ Mir của Nga hơn 5 năm.

Tuy nhiên, sau sự sụp đổ của Liên Xô tháng 12/1991, ngành công nghiệp vũ trụ Nga thiếu ngân sách trầm trọng. Theo Neal, nhiều ý kiến quan ngại rằng chương trình không gian của Nga không còn khả thi và các nước khác có thể thuê họ.

Về phía Nga, tập đoàn Energia khi đó đã đưa người đàn ông và người phụ nữ đầu tiên vào không gian và xây dựng trạm vũ trụ Mir. Các hoạt động hợp tác giữa Nga và Mỹ bắt đầu kể từ sau đó.

Ngày 3/2/1944, phi hành gia người Nga Sergei Krikalev lên tàu con thoi Discovery trong nhiệm vụ 8 ngày. Một năm sau, Norman Thagard bay bằng tàu vũ trụ của Nga Soyuz và sống 115 ngày trên Mir. Ngày 29/6/1995, tàu con thoi Atlantis kết nối với trạm vũ trụ của Nga.

Trong một cuộc họp, Energia và các nhà thầu của Mỹ đã tìm thấy tiếng nói chung và quyết định thực hiện dự án hợp tác có ý nghĩa hơn thay vì xây hai trạm vũ trụ riêng biệt.

"ISS là di sản của Mir. Các module tạo nên ISS đã được áp dụng với Mir. Nhưng hợp tác quốc tế trong ngành công nghiệp vũ trụ với Mỹ và các nơi khác trên toàn cầu mới là điều quan trọng nhất mà ISS đang mang lại", phi hành gia Nga Aleksandr Lazutkin nói.

Tuy nhiên, thách thức đặt ra là Mỹ coi Nga như những người thua cuộc trong Chiến tranh Lạnh và không công nhận kiến thức hay chuyên môn của họ. Trong khi đó, Nga phải vật lộn với vấn đề tài chính, tham nhũng. Các quốc gia khác không cảm thấy thoải mái đứng bên ngoài. Ngày 29/1, đại diện 15 nước họp tại Washington và ký kết thỏa thuận xây dựng ISS.


Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Ảnh: NASA
Tháng 2/2011: ISS

Tạo dựng một cấu trúc khổng lồ nặng 420 tấn ở độ cao 400 km so với bề mặt trái đất không phải việc dễ dàng. Nhiều nhóm chuyên gia từ các nước đã thiết kế hàng chục nghìn linh kiện và bộ phận khác nhau. Các khối của ISS phải được phóng theo trình tự và lắp ráp trên quỹ đạo.

Ngày 31/10/2000, tàu Soyuz đưa phi hành đoàn đầu tiên lên ISS. Tháng 2/2001, phòng thí nghiệm Destiny của Mỹ được bổ sung cùng 6 nhiệm vụ xây dựng trong năm đó. Tàu con thoi đóng vai trò vận chuyển, định vị và kết nối các module.

Ngày 1/2/2003, tàu con thoi Columbia gặp sự cố, khiến 7 phi hành gia thiệt mạng và tác động không nhỏ đến toàn bộ chương trình ISS. Chính phủ Mỹ hạn chế bay bằng tàu con thoi, ngừng xây các cấu trúc khác của ISS, để module của châu Âu, Nhật và cánh tay robot của Canada mắc kẹt trên trái đất. Tổng thống Mỹ đồng ý chỉ dùng tàu con thoi để hoàn thiện trạm không gian và kết thúc chương trình.

Tháng 2/2011, khi ISS di chuyển qua khu vực Turin, Italy, phi hành gia Barratt và Paolo Nespoli sử dụng cánh tay robot để đưa phần chính cuối cùng của ISS vào vị trí.

ISS hiện nay

"Khi bạn làm việc trong không gian, không có chỗ dành cho chính trị nữa. Đó là một nơi thiêng liêng. Thế giới có thể coi đây là thuật ngoại giao, nhưng với chúng tôi, ISS là chương trình không gian", Barratt nói.

6 phi hành gia đang sống và làm việc trên ISS. Tại đây, một trong những giây phút đặc biệt nhất là khi họ quây quần bên bàn bếp và cùng nhau trò chuyện.

Không ai hoàn toàn chắc chắn về chi phí của dự án. Theo ước tính, nó có thể dao động từ 100 - 150 tỷ USD. Cũng không ai biết nó sẽ kéo dài hoạt động trong bao lâu, dù có thể có ít nhất 10 năm nữa trên quỹ đạo. Vài năm sau khi hoàn thành, ISS ngày một mở rộng quy mô.

"ISS là điều kỳ diệu cả về mặt kỹ thuật và chính trị của thế kỷ 20", Jeffrey Manber, giám đốc điều hành công ty vận tải hàng hóa lên ISS nhận định. Còn theo Baker, đây là mô hình lý tưởng để các nước cùng hợp tác, thấu hiểu lẫn nhau và cùng khám phá các hành tinh.

Vào năm 1998, rất khó để tìm được người nào khác ngoài NASA hay Energia tin rằng đây là ý tưởng khả thi. Chắc chắn rằng, nhiều người vẫn hoài nghi về các chuyến bay vũ trụ của con người, nhưng câu chuyện của ISS đã thay đổi nhiều điều. Thậm chí, phi hành gia người Anh đầu tiên cũng đã đặt chân lên ISS.

Theo Hoàng Anh (Zing.vn)

Nổi bật