Theo lệnh truy nã này, ông Netanyahu có thể bị bắt nếu đặt chân lên đât Tây Ban Nha.
Các bộ trưởng khác cũng bị truy nã gồm: Cựu ngoại trưởng Avigdor Liberman, cựu bộ trưởng quốc phòng Edhud Barak, cựu bộ trưởng nội vụ Eli Yishai, cựu bộ trưởng tình báo Dan Meridor, bộ trưởng quốc phòng đương nhiệm Moshe Yaalon, bộ trưởng Bennie Begin và cựu chỉ huy hải quân Eliezer Marom.
Lệnh truy nã được ban hành do Chánh án Jose de la Mata của Tòa án Quốc gia Tây Ban Nha ký.
Israel đã phản ứng mạnh mẽ với việc này. "Chúng tôi coi đây là một sự khiêu khích" - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Israel Emmanuel Nachschon nói. "Chúng tôi đang hợp tác với nhà chức trách Tây Ban Nha để hủy lệnh truy nã và hy vọng nó sẽ sớm qua đi".
Lệnh truy nã bắt nguồn từ sự cố ngày 31.5.2010 khiến 10 nhà hoạt động chống Israel người Thổ Nhĩ Kỳ chết. Các nhà hoạt động này tìm cách vượt qua hàng rào của Israel ở Dải Gaza. Hầu hết các con tàu tìm cách vượt rào đều bị ngăn chặn không có sự cố, nhưng một số người trên con tàu Mavi Marmara đã tấn công đặc nhiệm của hải quân Israel khi đặc nhiệm lên tàu. Chính phủ Israel nói đây là hành động tự vệ trước cuộc tấn công.
3 công dân Tây Ban Nha trên tàu Marmara đã kiện Israel hồi năm 2010, nhưng lúc đó tòa án nói họ không có thẩm quyền truy tố người nước ngoài vì các tội phạm diễn ra ngoài biên giới Tây Ban Nha.
Tuy nhiên Chánh án De La Mata đã tìm ra kẽ hở luật pháp để mở lại vụ kiện.
Theo V.N (Tiền Phong)