Iran xử lý thế nào nếu Tổng thống Raisi gặp chuyện xấu?

20/05/2024 09:51:55

Theo Điều 131 của Hiến pháp Cộng hòa Hồi giáo Iran, nếu tổng thống Iran qua đời khi đang tại chức, phó tổng thống thứ nhất sẽ lên nắm quyền với sự xác nhận của nhà lãnh đạo tối cao Iran.

Phó Tổng thống thứ nhất Mohammad Mokhber sẽ tạm thời lên nắm quyền cho đến khi chọn được người kế nhiệm.

Theo hãng tin Reuters hôm 19-5, một hội đồng gồm phó tổng thống thứ nhất, chủ tịch quốc hội và người đứng đầu cơ quan tư pháp phải tổ chức cuộc bầu cử tổng thống mới trong thời hạn tối đa là 50 ngày.

Iran xử lý thế nào nếu Tổng thống Raisi gặp chuyện xấu?
Tổng thống Iran Ebrahim Raisi. Ảnh: Reuters

Tổng thống Iran Ebrahim Raisi lên nắm quyền sau cuộc bầu cử năm 2021. Không giống người tiền nhiệm - cựu Tổng thống Hassan Rouhani - vốn theo đường lối ôn hòa, ông Ebrahim Raisi có đường lối cứng rắn.

Hình ảnh ông dường như được xây dựng theo những lý tưởng của Cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979.

Tổng thống Iran là người đứng đầu bộ máy hành chính, được người dân bầu ra bằng hình thức bỏ phiếu trực tiếp. 

Tuy nhiên, tổng thống Iran không có toàn quyền đối với chính sách đối ngoại, lực lượng vũ trang hay chính sách hạt nhân của nước này. Các quyền lực trên thuộc về Lãnh tụ Tối cao Iran, người có thể bổ nhiệm người đứng đầu nhiều chức vụ quyền lực trong quân đội, chính phủ dân sự và tư pháp.

Dù vậy, ông Raisi đang được xem là người kế nhiệm tiềm năng cho vị trí của nhà lãnh đạo tối cao Ali Khamenei, 85 tuổi. Hiện chưa có ứng viên rõ ràng nào có thể thay thế lãnh đạo tối cao Iran nếu ông Raisi không còn.

Do đó, bất kỳ sự gián đoạn nào về triển vọng kế nhiệm này đều có thể gây ra sự hỗn loạn hơn nữa ở một quốc gia vốn đang phải chịu áp lực kinh tế và chính trị đáng kể.

Iran xử lý thế nào nếu Tổng thống Raisi gặp chuyện xấu? - 1
Lãnh đạo Tối cao Ali Khamenei, 85 tuổi. Ảnh: Reuters

Kịch bản Tổng thống Iran Ebrahim Raisi qua đời cũng có thể báo trước một thời kỳ hỗn loạn, với việc Iran liên quan đến nhiều cuộc xung đột trên khắp Trung Đông.

Iran được cho là quốc gia ủng hộ chính cho Hamas, lực lượng xung đột với Israel kể từ ngày 7-10-2023. Tehran cũng tài trợ cho lực lượng ủy nhiệm ở Lebanon, Iraq và Yemen. Những lực lượng ủy nhiệm này cũng tiến hành các cuộc tấn công vào Israel trong cuộc xung đột ở Gaza.

Theo Xuân Mai (Nld.com.vn)

Nổi bật