Iran gọi điện cho Nga ngay trước lúc nã tên lửa Israel: Vì sao Moscow im ắng bất thường những ngày qua?

14/04/2024 08:56:27

Điện Kremlin đã lên tiếng giải thích về việc Nga không can thiệp nhằm hỗ trợ giải quyết căng thẳng Iran-Israel trong những ngày qua.

Nga-Iran điện đàm về vụ tấn công của Israel

Hãng thông tấn RIA Novosti đưa tin, theo đề nghị của Iran, trong ngày 13/4, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã có cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollahian để thảo luận về cuộc tấn công của Israel nhằm vào lãnh sự quán Iran ở Syria hôm 1/4.

Trong cuộc trao đổi giữa 2 phía, ông Lavrov lên án hành động của Tel Aviv và nhấn mạnh rằng, "bất cứ cuộc tấn công nào vào các cơ sở ngoại giao, cũng như các vụ ám sát mang tính chính trị" đều không thể chấp nhận được.

Iran gọi điện cho Nga ngay trước lúc nã tên lửa Israel: Vì sao Moscow im ắng bất thường những ngày qua?
Tòa nhà lãnh sự Iran ở Syria bị phá hủy sau cuộc không kích của Israel ngày 1/4. Nguồn: Reuters

"Trọng tâm chú ý lúc này đang được đặt vào tình hình Trung Đông. Nga một lần nữa lên án mạnh mẽ việc Israel không kích lãnh sự quán Iran tại Damascus ngày 1/4.

Cần nhấn mạnh rằng, bất cứ cuộc tấn công nào nhằm vào các cơ sở ngoại giao và lãnh sự - nơi vốn được Công ước Vienna bảo vệ , và những vụ ám sát mang tính chính trị đều không thể chấp nhận được" - Bộ Ngoại giao Nga ra thông báo về cuộc điện đàm của ông Lavrov.

Bên cạnh đó, bộ trưởng hai nước đã nhấn mạnh cam kết "duy trì mức độ phối hợp cao đối với các vấn đề cấp bách trong nghị sự quốc tế và khu vực".

Đáng lưu ý, cuộc điện đàm diễn ra không lâu trước khi Iran phóng máy bay không người lái và tên lửa từ lãnh thổ của mình về phía Israel trong đêm 13/4 (theo giờ địa phương).

Dẫn thông cáo của IRGC, Đài truyền hình nhà nước Iran Press TV cho biết, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) "đã tấn công một số mục tiêu trong lãnh thổ Israel bằng hàng chục máy bay không người lái và tên lửa". 

Vì sao Moscow "im ắng bất thường" giữa căng thẳng Israel-Iran?

Cuộc điện đàm giữa ông Lavrov và ông Amirabdollahian cũng là lần hiếm hoi Nga trao đổi trực tiếp với Iran về tình hình căng thẳng tại Trung Đông hiện nay, kể từ sau vụ tấn công hôm 1/4.

Trong những ngày qua, Moscow không có bất cứ động thái trực diện nào giúp giảm leo thang tình hình, ngoài lời kêu gọi các bên kiềm chế, tương tự như những gì các quốc gia khác trong khu vực đang làm.

Lý giải về điều này, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 11/4 cho biết, Nga "chưa nhận được bất cứ yêu cầu nào về việc hỗ trợ giải quyết tình hình giữa Iran - Israel".

"Chúng tôi không nhận được bất cứ đề nghị nào liên quan tới vấn đề này, nhưng tất nhiên, chúng tôi kêu gọi tất cả các bên kiềm chế" - Ông Peskov nói, đồng thời nhấn mạnh một lần nữa rằng cuộc tấn công của Israel nhằm vào lãnh sự quán Iran ở Damascus là hành vi vi phạm các nguyên tắc của luật pháp quốc tế.

Iran gọi điện cho Nga ngay trước lúc nã tên lửa Israel: Vì sao Moscow im ắng bất thường những ngày qua? - 1
Ông Peskov cho biết Nga chưa nhận được đề nghị hỗ trợ giải quyết tình hình Iran-Israel. Ảnh: Reuters

Cùng ngày 11/4, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết, Nga và Iran vẫn đang giữ liên lạc thông qua khối kinh tế BRICS và "trong tương lai gần sẽ sớm có những cuộc thảo luận mới, chuyên sâu về toàn bộ các vấn đề liên quan tới Trung Đông". Tuy nhiên, ông Ryabkov không cho biết thời điểm dự kiến diễn ra các cuộc trao đổi.

Trong thông báo phát đi ngày 11/4, Bộ Ngoại giao Nga khuyến cáo các công dân nước này không nên tới Trung Đông giữa bối cảnh căng thẳng leo thang.

"Chúng tôi đặc biệt khuyến nghị công dân Nga hạn chế đi đến khu vực này, đặc biệt là tới Israel, Lebanon và các vùng lãnh thổ của Palestine, trừ trường hợp cực kỳ cần thiết" - Thông báo của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ.

Bình luận về vai trò của Nga trong căng thẳng Iran-Israel hiện nay, tổ chức tư vấn RAND (Mỹ) nhận định: Mặc dù bản thân Nga không mong muốn chiến tranh Iran-Israel bùng nổ nhưng sức ảnh hưởng của Moscow trong vai trò là lực lượng ổn định Trung Đông đang suy yếu.

Kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự tại Ukraine năm 2022, Nga đã tăng cường quan hệ đối tác với Iran, mở rộng hợp tác trong lĩnh vực kinh tế và quốc phòng.

Tehran trở thành nhà cung cấp vũ khí quan trọng của Moscow trong khu vực. Quan hệ gắn kết hơn với Iran cũng giúp Nga nâng cao khả năng ứng phó các biện pháp trừng phạt từ phương Tây.

Sự liên kết này một mặt cho thấy ảnh hưởng của Nga ở Trung Đông vẫn còn mạnh mẽ. Tuy nhiên, theo RAND, nó cũng báo hiệu điều ngược lại: Nga có thể nhận thấy rằng, vai trò tương lai của mình trong khu vực sẽ phụ thuộc vào sự ủng hộ của Iran.

Do đó, để đạt được các mục tiêu chiến lược lâu dài ở Trung Đông, Moscow sẽ phải vun đắp mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với Tehran.

Theo Nhật Minh (Đời Sống & Pháp Luật)