Cảnh báo được đưa ra sau khi Tổng thống Donald Trump quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran. Năm 2015, nhóm P5+1 (gồm 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc là Mỹ, Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc cộng thêm Đức) đã ký thỏa thuận hạt nhân với Iran.
Ông Ali Akbar Salehi, người điều hành chương trình hạt nhân Iran cho hay, nếu Tehran quyết định tái khởi động chương trình hạt nhân, nước này có thể mở rộng trung tâm làm giàu Natanz để chế tạo thêm nhiều máy ly tâm tiên tiến nhằm làm giàu uranium nhanh gấp 10 lần trước đây.
Tuy nhiên, trong tuyên bố của quan chức này cũng có phần hòa giải rằng Iran sẽ không chế tạo máy làm giàu uranium ngay lập tức nếu nước này rời khỏi thỏa thuận. Một quan chức Iran khác - Chủ tịch Hạ viện Ali Larjani cho hay, Tehran vẫn tuân thủ thỏa thuận và hiện thời Iran chỉ đang vận hành từ 3.000 tới 4.000 máy ly tâm, cách xa mức 6.104 máy theo thỏa thuận hồi 2015.
Trước khi ký thỏa thuận, Iran lắp đặt 20.000 máy ly tâm nhưng vẫn chưa tích đủ vật liệu để chế tạo vũ khi hạt nhân, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế cho biết.
Hiện, Iran, Liên minh châu Âu (EU), Nga và Trung Quốc vẫn đang cố cứu vãn thỏa thuận được ký kết trong thời Tổng thống Obama nắm quyền cũng như một vài thỏa thuận cam kết thúc đẩy kinh tế Iran. Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố, thỏa thuận của P5+1 với Iran là không hoàn thiện vào tháng 5 và tuyên bố rút lui, Mỹ đã tái áp dụng trừng phạt. Kể từ đó, đồng tiền của Iran đã sụt nửa giá trị so với đồng đô la, việc xuất khẩu dầu thô - vốn là nguồn sống của iran, đã sụt giảm mạnh dù trừng phạt của Mỹ với ngành này mãi tới tháng 11 mới bắt đầu.
Ông Salehi, người đứng đầu Tổ chức năng lượng nguyên tử Iran cho hay, Iran sẽ không quay lại bàn đàm phán để thương thuyết một thỏa thuận mới như Washington yêu cầu.
Theo Hoài Linh (VietNamNet)