Cảnh sát Indonesia đã thu giữ 35kg chất nổ mạnh triacetone triperoxide (TATP) - còn được các nhóm khủng bố gọi là "Mẹ của quỷ Satan" - từ một hang ổ trên núi ở Tây Java sau khi một tay súng bị kết án tù đồng ý hé lộ một vài thông tin bí mật.
Các sĩ quan thuộc đội chống khủng bố tinh nhuệ của Indonesia, Biệt đội 88 (Densus 88) cho biết họ kinh ngạc khi phát hiện ra chất nổ có thể được sử dụng để thực hiện các cuộc tấn công khủng bố ở "quy mô thảm khốc".
Phát hiện khối thuốc nổ khổng lồ
Họ cho biết, chiến dịch cũng đánh dấu một thành công lớn đối với chương trình phi cực đoan hóa của đất nước này với mục đích thay đổi suy nghĩ cực đoan của các tay súng cứng đầu - những người coi cảnh sát và chính phủ là trở ngại chính khiến họ thành lập một vương quốc Hồi giáo ở Indonesia.
Cụ thể, tay súng Imam Mulyana, một cựu thành viên của tổ chức Nhà nước Hồi giáo Indonesia Jemaah Ansharut Daulah (JAD), người bị bắt vào năm 2017, đã liên lạc với Densus 88 để tiết lộ vị trí của khối chất nổ sau nhiều năm được thuyết phục trong các lớp giải trừ cực đoan.
Aswin Siregar, người đứng đầu hoạt động của Densus 88, nói: "Lời thú nhận của Imam là kết quả của chương trình giải trừ cực đoan để nâng cao nhận thức của anh ấy về nguy cơ khủng bố".
Aswin cho biết "một lượng khổng lồ" TATP bị thu giữ cho thấy các kế hoạch cho các cuộc tấn công với "sức hủy diệt khủng khiếp" đã được chuẩn bị trước khi Imam bị bắt. Qua đó, Indonesia đã nhằm ngăn chặn một "thảm họa lớn".
TATP là một chất nổ có tính bất ổn cao được các chiến binh ISIS ưa chuộng, đã được sử dụng trong các vụ đánh bom ở London năm 2005, các cuộc tấn công ở Paris năm 2015, vụ đánh bom sân bay Brussels năm 2016 và vụ đánh bom Manchester Arena năm 2017.
Cảnh sát Hong Kong cho biết vào tháng 7 rằng họ đã thu giữ TATP từ một phòng thí nghiệm bom ở Tsim Sha Tsui trong một cuộc đột kích khiến 9 người, bao gồm 6 học sinh trung học, bị bắt vì tình nghi hoạt động khủng bố.
Nguy cơ từ tổ chức cực đoan
Sau khi Imam khai ra vị trí của chất nổ, Densus 88 đã cử một đội lớn đến núi Ciremai và phát hiện chất nổ được giấu ở một vị trí cao 1.450 mét so với mực nước biển, vốn khá khuất và rất khó tiếp cận.
Aswin cho biết, chỉ cần 50 gram TATP là đủ để tạo ra một cái hố rộng 1m trên mặt đất, sâu 20cm. Việc xử lý khối chất nổ còn lại đã gây ra chấn động cục bộ và lở đất.
Trong một đoạn video được thực hiện sau khi khối thuốc nổ bị phá hủy, Imam nói rằng anh ấy đã "khóc" khi nghe về sức mạnh của TATP: "Tôi không nhận ra nó nguy hiểm như thế nào... và điều gì có thể xảy ra nếu nó rơi vào tay của những kẻ xấu lợi dụng nó để thực hiện tội ác".
"Sẽ có nhiều nạn nhân hơn nữa hoặc sự hủy diệt sẽ xảy ra", Imam nói và cho biết thêm rằng ông hối hận về hành động của mình và cảm ơn cảnh sát đã "trèo lên núi và kiên nhẫn tìm kiếm" TATP.
Zachary Abuza, giáo sư nghiên cứu Đông Nam Á tại Đại học Chiến tranh Quốc gia ở Washington, cho biết mặc dù nguyên liệu chế tạo TATP rất dễ tìm, nhưng "cần phải có kĩ năng mới có thể tạo ra được".
Ông nói: “Thời gian và nhiệt độ chế tạo phải chính xác bởi nó rất dễ nổ". TATP đã được sử dụng trong các vụ đánh bom ở Surabaya năm 2018 và cũng đã bị thu giữ trong các cuộc đột kích trước đó nhưng với số lượng ít hơn. "Vì vậy, 35kg thực sự cho thấy rằng trong một thời gian dài JAD đã có một cơ sở sản xuất [TATP] chuyên dụng và có khả năng sản xuất nó với số lượng đáng kể."
Budiawan, phó giáo sư hóa học tại Đại học Indonesia, cho biết dù chỉ 1 gam TATP cũng đủ gây thương tích và ước tính rằng chất nổ được phát hiện ở Tây Java có thể đã được sử dụng để chế tạo 16 quả bom ống.
TATP cũng có thể được sử dụng để tạo áo đánh bom liều chết cảm tử, bom xe, bom va li và bom nồi cơm điện.
Theo Tất Đạt (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)