Các ý kiến phản đối cảnh báo rằng nghiên cứu ban đầu ở Yogyakarta, vốn là cơ sở để xây dựng kế hoạch kể trên, là chưa đủ để biện hộ cho việc thả 200 triệu con muỗi.
Kế hoạch cụ thể bao gồm quá trình thả muỗi Aedes aegypti chứa vi khuẩn Wolbachia vào khu vực đảo Bali vào giữa tháng 11. Bộ Y tế Indonesia cho biết kế hoạch đã bị tạm dừng vô thời hạn.
"Chúng tôi đang thảo luận với chính quyền tỉnh Bali để tạm thời dừng thả muỗi có vi khuẩn Wolbachia và tiếp tục phổ biến thông tin cho công chúng cho tới khi họ được chuẩn bị tinh thần," phát ngôn viên Bộ Y tế Indoensia Siti Nadia Tarmizi hồi tháng trước cho biết.
Ngoài Bali, chương trình thả muỗi dự kiến cũng được tiến hành ở Semarang, Bandung và Jakarta ở Java và Kupang ở Đông Nusa Tenggara, theo bà Siti.
Lượng muỗi được thả đều mang vi khuẩn Wolbachia, vốn được cho là làm chậm quá trình phát triển của các chủng virus như sốt xuất huyết, Zika, sốt vàng da trên loài muỗi. Những ý kiến ủng hộ kế hoạch cho rằng điều này làm giảm khả năng muỗi lây truyền virus cho con người.
Khi muỗi mang vi khuẩn Wolbachia giao phối với muỗi thường, chúng sẽ truyền vi khuẩn này, tạo ra lượng muỗi nhiễm Wolbachia rộng hơn và làm giảm khả năng các dịch bệnh kể trên lây lan.
Chương trình là một phần của sáng kiến giữa tổ chức phi chính phủ Chương trình Muỗi Quốc tế (WMP), Đại học Monash ở Australia và Đại học Gadjah Mada ở Yogyakarta, đã được tiến hành tại 12 nước.
Tuy vậy, nhiều ý kiến phản đối cho rằng chương trình chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng, nghiên cứu ban đầu ở Yogyakarta, vốn chỉ dựa trên 4.500 người, chưa đủ quy mô để có kết luận rõ ràng đủ để đưa kế hoạch vào thực tiễn.
Hà An (SHTT)