Indonesia mạnh mẽ yêu cầu Trung Quốc giải thích “đường chín đoạn”

13/11/2015 09:40:51

Hôm qua, Bộ Ngoại giao Indonesia khẳng định đã thông qua các kênh ngoại giao yêu cầu Trung Quốc làm rõ ràng tuyên bố đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông nhưng vẫn chưa nhận được câu trả lời.

Hôm qua, Bộ Ngoại giao Indonesia khẳng định đã thông qua các kênh ngoại giao yêu cầu Trung Quốc làm rõ ràng tuyên bố đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông nhưng vẫn chưa nhận được câu trả lời.

Phần đường băng tại căn cứ không quân Ranai trên đảo Natuna của Indonesia. Khu vực quần đảo Natuna của Indonesia được cho là giàu tài nguyên, cũng bị “đường lưỡi bò” của Trung Quốc liếm vào - Ảnh: Reuters


Thông tin chính thống từ bên ngoại giao được đưa ra chỉ một ngày, sau khi quan chức chỉ huy an ninh của Indonesia tuyên bố có thể kiện Trung Quốc ra Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) để bác bỏ đòi hỏi chủ quyền bằng “đường chín đoạn của Trung Quốc”.

Báo Jakarta Post dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia Armanatha Nasir nhấn mạnh quan điểm của Indonesia rất rõ ràng tại giai đoạn này rằng Jakarta không thừa nhận “đường chín đoạn” (đường lưỡi bò) do Trung Quốc vẽ ra vì không phù hợp với luật pháp quốc tế. Đây cũng là điều mà Indonesia muốn Trung Quốc làm rõ.

“Chúng tôi yêu cầu sự rõ ràng về điều mà họ đang muốn thể hiện và họ đang có ý gì thông qua đường chín đoạn. Nó chưa được rõ ràng” - ông Nasir nói rõ.

Sẽ họp bàn về “đường chín đoạn”

Hãng tin Reuters cho biết lãnh đạo các nước trong khu vực được cho là sẽ thảo luận về vấn đề này tại cuộc họp thượng đỉnh các lãnh đạo của khối ASEAN diễn ra ở Kuala Lumpur (Malaysia) trong hai ngày 21 và 22-11.

Giới chuyên gia cho rằng với động thái trên, chính quyền Tổng thống Joko Widodo đã từ bỏ vị thế “đứng ngoài cuộc”, trung dung trong vấn đề tranh chấp lãnh hải kéo dài nhiều năm qua.

Từ trước đến nay, Indonesia luôn cố giữ vai trò nhà hòa giải trong vấn đề tranh chấp ở Biển Đông giữa Trung Quốc và một số quốc gia Đông Nam Á khác.

Nhưng dưới thời Tổng thống Widodo, Indonesia đã thúc đẩy một chính sách mới tăng cường an ninh biển cho mình. Jakarta đang đẩy mạnh tuần tra trong các vùng biển chiến lược và khẳng định sẽ nhờ Mỹ hỗ trợ xây dựng một lực lượng bảo vệ bờ biển mới.

Một ngày trước, Jakarta tuyên bố có thể kiện Trung Quốc ra tòa ICC nếu “đường chín đoạn” mà Trung Quốc dùng để đòi chủ quyền đối với phần lớn khu vực Biển Đông và một phần chủ quyền của Indonesia không được giải quyết thành công bằng con đường đối thoại.

Bộ trưởng Các vấn đề pháp lý, chính trị và xã hội Indonesia Luhut Panjaitan nhấn mạnh Bắc Kinh đòi chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông bằng “đường chín đoạn” liếm sâu vào thềm lục địa của các nước Đông Nam Á, trong đó có cả quần đảo Natuna thuộc Indonesia.

Năm ngoái, ông Panjaitan từng cáo buộc Trung Quốc ngang nhiên gộp quần đảo Natuna vào trọn 
trong “đường chín đoạn” này.

Hôm qua, theo Reuters, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã lên tiếng giãi bày kiểu Trung Quốc “không tranh chấp chủ quyền với Indonesia” ở khu quần đảo Natuna, mà đó chỉ là “vài tranh chấp lãnh hải”.

Ông cũng nhanh chóng đưa ra quan điểm về cách giải quyết của Trung Quốc là hai bên “tìm giải pháp phù hợp qua con đường đàm phán và tham vấn dựa trên luật quốc tế và cơ sở chứng cứ lịch sử”!

Cần công khai kế hoạch tuần tra Biển Đông

Trong khi đó, những tiếng nói cứng rắn vẫn tiếp tục tại Mỹ, gây sức ép với chính quyền về việc thể hiện không chỉ thái độ mà cả phương pháp rõ ràng.

Mới nhất, người đứng đầu Ủy ban quân vụ Thượng viện Mỹ là thượng nghị sĩ John McCain đã gửi đến Lầu Năm Góc yêu cầu công bố rõ ràng mục đích pháp lý của cuộc tuần tra do tàu khu trục USS Lassen thực hiện ở Biển Đông hồi tháng 10.

Việc tàu USS Lassen tuần tra trong khu vực 12 hải lý quanh các đảo do Trung Quốc xây dựng và bồi đắp trái phép đã được nhiều nước trong khu vực tỏ ý hoan nghênh như một cách đảm bảo tự do hàng hải quốc tế. Động thái tuy vậy bị giới chức Trung Quốc quy là “khiêu khích và nguy hiểm”.

“Tôi nghĩ việc Bộ Quốc phòng Mỹ công bố rõ ràng là rất quan trọng, về quy mô chiến dịch, mục tiêu pháp lý đằng sau hoạt động này cũng như bất kỳ hoạt động tương tự nào trong tương lai” - trang tin Học viện Hải quân Mỹ dẫn lời ông McCain viết trong thư gửi Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter.

Thượng nghị sĩ McCain kêu gọi Lầu Năm Góc công bố chi tiết, cụ thể như tàu USS Lassen được phép chạy trong các vùng biển này bằng quyền hạn nào và liệu Trung Quốc có được thông báo trước khi cuộc tuần tra diễn ra hay không.

Theo lý giải của thượng nghị sĩ McCain, việc Lầu Năm Góc công bố những động lực chính trị được cho là nhạy cảm và khuynh hướng pháp lý đối với các hoạt động của hải quân Mỹ là cần thiết.

“Điều đó rất quan trọng nhằm tránh sự hiểu lầm về mục tiêu của chúng ta ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương hay trong cộng đồng quốc tế” - thượng nghị sĩ McCain nói.

Giới chức Mỹ cho biết hải quân Mỹ đã tránh những cuộc diễn tập quân sự có thể làm trầm trọng thêm những căng thẳng với Bắc Kinh suốt cuộc tuần tra của tàu USS Lassen.

Cuộc tuần tra mà giới chuyên gia cho rằng chiến thuật của nó thể hiện sự củng cố hơn là thách thức tuyên bố đòi chủ quyền mà Trung Quốc đang áp đặt ở các khu vực của Biển Đông.
 

“Chúng tôi không thể nói trước những việc trước khi biết nó tiến triển thế nào. Nhưng rõ ràng chúng tôi không phải quốc gia gây ra việc đòi chủ quyền và chúng tôi không công nhận “đường chín đoạn” là thứ mà chúng tôi đang yêu cầu Trung Quốc làm rõ ràng ra

Ông Armanatha Nasir (người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia) trả lời câu hỏi liệu Indonesia có thể đưa Trung Quốc ra tòa hay không
 
>> Người Việt tại Đức biểu tình phản đối Trung Quốc xây đảo trái phép
>> Việt Nam phản đối hải đăng của Trung Quốc ở Trường Sa

Theo Mỹ Loan (Tuổi Trẻ)

Nổi bật