Video Toàn cảnh về thảm họa động đất, sóng thần ở Indonesia
Thống kê chính thức mới nhất cho thấy số người thiệt mạng trong thiên tai khủng khiếp tàn phá TP Palu và những khu vực xung quanh này đã tăng lên 2.010.
Dù vậy, theo AP, nhà chức trách cho biết vẫn chưa kiểm chứng được thông tin còn 5.000 người mất tích tại 2 khu vực Petobo và Balaroa thuộc TP Palu, dựa trên ước tính của các trưởng làng ở đó.
Trong khi đó, truyền thông địa phương hôm 10-10 dẫn lời quan chức Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa vật lý Indonesia (BMKG) cho biết 3 đợt sóng thần cao đến 11,3 m đã ập vào đảo Sulawesi và tràn sâu vào đất liền đến 468,8 m sau trận động đất mạnh cấp độ 7,5 hôm 28-9.
Đáng lo hơn, theo tờ South China Morning Post, đã xuất hiện cảnh báo thảm kịch trên có thể tái diễn do các quần đảo Indonesia là điểm nóng về hoạt động địa chất.
Ông Kerry Sieh, một trong những nhà địa chất học hàng đầu thế giới hiện làm việc tại Trường ĐH Công nghệ Nanyang (Singapore), dự báo đảo Sumatra - 1 trong 5 đảo chính của Indonesia - sẽ là "nạn nhân" của một trận động đất mạnh cấp độ 9 trong 15-20 năm tới.
Kể từ những năm 1990, ông Sieh đã sử dụng san hô để thống kê động đất tại vùng siêu địa chấn Sunda (một đứt gãy dài khoảng 5.500 km nằm ở phía Tây Sumatra) trong vòng 1.000 năm qua. Những trận động đất ở đây xảy ra thành từng chùm, tức không có gì xảy ra trong vòng 200 năm và rồi 2-3 trận lớn xảy ra.
Hôm 26-12-2004 chứng kiến trận động đất mạnh cấp độ 9,1 gây sóng thần khiến ít nhất 160.000 người thiệt mạng tại tỉnh Aceh trên đảo Sumatra. Trận động đất này kích hoạt chùm động đất mới nhất và đứt gãy trên đã trải qua thêm 2 trận động đất mạnh khác.
Dù vậy, vẫn còn một trận động đất mạnh nữa chưa xảy ra. Ông Sieh công bố công trình về vùng siêu địa chấn Sunda năm 2008 và sau đó, nhóm của ông tiếp cận và cảnh báo các cộng đồng gần đó về nguy cơ sóng thần cũng như hướng dẫn họ nên làm gì nếu thảm họa xảy ra.
Theo Hoàng Phương (Nld.com.vn)