Cảnh sát Indonesia cho hay họ đã bắn Dedy Sukma khi nghi phạm trộm xe máy này cố gắng cướp súng của một sĩ quan. Tuy nhiên, gia đình anh không đồng ý với kết luận trên và đang đấu tranh để tìm ra nguyên nhân tại sao anh thiệt mạng chỉ một tháng trước khi Á vận hội Asiad, sự kiện thể thao lớn thứ hai thế giới, mở màn.
"Tại sao họ phải giết anh ấy? Họ đối xử với mạng sống của anh ấy như cỏ rác", một người thân của Sukma nói với PV. "Ở Indonesia, những con người nhỏ bé như chúng tôi không được pháp luật bảo vệ".
Sukma, 33 tuổi, là một trong hàng chục nghi phạm thiệt mạng trong cuộc trấn áp của giới chức Indonesia để chuẩn bị cho Asiad, giải đấu kéo dài từ ngày 18/8 đến 2/9 tới. Hôm qua, gia đình anh đã đệ đơn khiếu nại lên ủy ban nhân quyền của Indonesia, tuy nhiên, họ không dám tiết lộ tên thật của nạn nhân vì sợ bị phạt.
Các nhóm nhân quyền chỉ trích chiến dịch trấn áp của cảnh sát ở thành phố đăng cai Asiad Jakarta và tỉnh Nam Sumatra là "bắn trước, hỏi sau". Theo tổ chức Ân xá Quốc tế, hàng nghìn nghi phạm đã bị bắt giữ trong những tháng gần đây, gần 80 người bị bắn chết khắp cả nước kể từ hồi tháng một và hơn 30 vụ nổ súng gây chết người đã xảy ra khi cảnh sát Indonesia tăng cường an ninh trước Asiad.
"Các con số gây sốc này cho thấy một ví dụ điển hình về việc sử dụng vũ lực không cần thiết, hay lạm dụng vũ lực, của cảnh sát", Usman Hamid, giám đốc điều hành văn phòng tại Indonesia của Tổ chức Ân xá Quốc tế, nói. "Tổ chức một sự kiện thể thao quốc tế không phải là cái giá để từ bỏ nhân quyền".
Giới chức nước này cho hay việc bắn các tên trộm cắp có vũ trang hoặc định bỏ trốn là cần thiết để đảm bảo các vận động viên và du khách quốc tế không bị biến thành nạn nhân của tội phạm.
"Chúng tôi không muốn những điều này xảy ra, nhất là trong suốt thời gian diễn ra Á vận hội, khi thế giới đang hướng mắt về chúng tôi", cảnh sát trưởng quốc gia Tito Karnavian nói. "Vào thời điểm bắt giữ, nếu nghi phạm kháng cự và gây nguy hiểm mà cảnh sát không làm gì thì thật vô lý".
Gia đình Sukma cho biết anh là út trong số ba anh chị em và vừa mãn hạn tù hai năm vì trộm xe máy hồi tháng 6. Họ mô tả anh là người hiền lành, tốt bụng, trong khi theo một số hàng xóm, anh ta nghiện rượu và hành xử thô lỗ.
Theo cảnh sát, vụ nổ súng xảy ra khi Sukma đang dẫn họ đến địa điểm mà một nhóm tội phạm địa phương cất giấu các xe máy ăn trộm. Tuy nhiên, gia đình Sukma lại nói rằng thi thể anh có dấu hiệu bị tra tấn với những vết bỏng thuốc lá và chảy máu ở cổ tay do còng sắt. Sukma đi khập khiễng và bị còng tay khi bị bắn chết, điều đó có nghĩa là anh khó có khả năng chống lại cảnh sát.
Một người thân kể rằng cảnh sát đã đưa cho bà một phong bì gọi là "tiền phúng điếu". "Tôi muốn công lý, tôi không cần tiền", bà nói.
Agustinus Pohan, giáo sư luật tại đại học Parahyangan, Indonesia, cho rằng dù sự thật là gì, có những câu hỏi về cái chết của Sukma vẫn chưa được cảnh sát giải đáp thỏa đáng.
"Từ lâu trước Á vận hội, cảnh sát đã lạm dụng vũ lực đối với tội phạm đường phố", ông nói.
Theo Anh Ngọc (VnExpress.net)