Động thái trên là một thất bại cho chính quyền Maduro đang tìm cách huy động ngoại tệ để ngăn nền kinh tế sụp đổ. Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) là một trong vài nguồn tài chính ít ỏi còn lại của chế độ Maduro, bên cạnh vàng rất khó sử dụng vì những lệnh trừng phạt do Mỹ ban hành.
SDR được đặt ra vào những năm 1970 nhằm chống lại tình trạng quá phụ thuộc vàng cũng như USD. Quốc gia thành viên IMF có thể dùng SDR trong quan hệ tín dụng với quỹ này hoặc thanh toán thương mại với thành viên khác. Khi giải ngân có thể quy đổi SDR ra một loại tiền tệ mạnh nào đó (USD, euro, yen Nhật…) tùy trường hợp cụ thể.
Venezuela từng sử dụng SDR tăng dự trữ ngoại tệ, nhưng quyền rút vốn mà quốc gia Nam Mỹ này sở hữu qua nhiều thập niên đã giảm đáng kể.
IMF, Bộ Tài chính cùng Ngân hàng trung ương Venezuela từ chối bình luận về thông tin phong tỏa SDR nêu trên. Giáo sư Ricardo Hausmann – cố vấn kinh tế của nhà lãnh đạo phe đối lập Venezuela Juan Guaido – tuyên bố IMF đang giúp bảo vệ tài sản cho đến khi chính quyền mới tiếp quản.
Lúc này IMF chưa lên tiếng công nhận Tổng thống Maduro hay nhà lãnh đạo đối lập Guaido mới là nguyên thủ quốc gia hợp pháp. Các quy định nêu rõ một chính quyền phải được đa số thành viên quỹ thừa nhận thì mới có quyền tiếp cận dự trữ SDR, nguồn tin Bloomberg cho biết cả hai ông Maduro và Guaido đều không nhận đủ ủng hộ.
Trang thông tin IMF vẫn ghi Bộ trưởng Tài chính Simon Zerpa là đại diện Venezuela, trong khi Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ (IADB) công nhận ông Hausmann.
Mọi chuyện gợi lại tình hình Honduras một thập niên trước. IMF lúc đó công nhận chính quyền Tổng thống Manuel Zelaya, nên chính quyền lâm thời lập ra sau binh biến không thể tiếp cận số SDR trị giá 163 triệu USD.
Theo Cẩm Bình (Một Thế Giới)