Bộ Ngoại giao Iceland ngày 26.9 cho biết các máy bay ném bom Tu-160 của không quân Nga bay quá gần với máy bay dân dụng nước này ngày 22.9.
Máy bay ném bom Tupolev Tu-160 của Nga bay gần phía bắc nước Anh bị chiến đấu cơ Typhoon của không quân Anh bay lên ngăn cản, ngày 22.9.2016 |
Bộ Ngoại giao Iceland cho hay ba máy bay ném bom Tupolev Tu-160 của Nga bay chỉ cách khoảng 1.800 - 2.700 m bên dưới một máy bay dân dụng của hãng IcelandAir đang bay từ thủ đô Reykjavik của Iceland đến thủ đô Stockholm (Thụy Điển) vào ngày 22.9, theo AFP.
Theo Bộ Ngoại giao Iceland, thiết bị liên lạc với mặt đất của những máy bay ném bom Nga cũng không gửi tín hiệu, dữ liệu cho không lưu dưới mặt đất để xác định độ cao và tốc độ.
Bộ Ngoại giao Iceland cho biết cơ quan này “đã nhiều lần và sẽ tiếp tục phản đối các chuyến bay quân sự không thông báo của Nga có nguy cơ đe dọa an toàn của những chuyến bay dân dụng chở hành khách”.
Tuy nhiên ông Aleksei Chadisky, người phát ngôn Đại sứ quán Nga tại Iceland lại cho rằng Iceland thổi phòng mối nguy hiểm từ máy bay quân sự Nga. “Đây chỉ là cái cớ để mở cửa trở lại căn cứ quân sự Mỹ ở thị trấn Keflavik (nam Iceland)", ông Chadisky trả lời phỏng vấn tờ Morgunbladid (Iceland).
Cũng trong ngày 22.9, phát hiện 2 chiếc Tu-160 của Nga bay sát không phận Anh, hai tiêm kích Typhoon của Anh cất cánh bay áp sát và "hộ tống" oanh tạc cơNga, đồng thời chụp ảnh máy bay này, theo The Aviationist. Rất có thể 2 chiếc máy bay Tu-160 này cũng là 2 chiếc bay sát máy bay dân dụng của Iceland.
Hồi đầu năm 2016, Iceland và Mỹ ký kết một thỏa thuận cho phép lực lượng quân sự Mỹ trở lại Iceland giữa lúc căng thẳng với Nga leo thang. Iceland vốn là thành viên của NATO.
Trong chiến tranh thế giới thứ 2, căn cứ quân sự Keflavik là căn cứ then chốt của Mỹ và giữ vai trò quan trọng đối với NATO trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Nhưng đến năm 2006, Washington đã rút hết lực lượng quân sự khỏi căn cứ này.
Trong vòng hai năm qua, quân đội Mỹ đã tiến hành các sứ mạng bay trinh sát trong không phận của các quốc gia thành viên NATO, bao gồm Iceland.
Ngoài Iceland, các quốc gia Bắc Âu khác cũng từng lên tiếng phản đối việc các máy quân sự Nga trong những năm gần đây khi bay trong không phận quốc tế luôn tắt hết những thiết bị liên lạc với mặt đất.
Theo Phúc Duy (Thanh Niên Online)