Hai nhân viên "biến mất"
Ngày hôm nay (28/12), Taiwan News dẫn nguồn báo tiếng Trung Liberty Times cho biết hai nhân viên Huawei đã "mất tích" hoặc bị giam giữ vì bị tình nghi có liên quan tới việc tiết lộ các thông tin bí mật của công ty.
Cụ thể, Liberty Times cho biết người chia sẻ thông tin về vụ hai nhân viên mất tích có tên Lin Xi, một cựu quản lí sản phẩm của Huawei ở Bắc Phi.
Anh Lin đã mở một nhóm thảo luận trên WeChat để đòi quyền lợi cho một số cựu đồng nghiệp bị Huawei sa thải hoặc không được kí tiếp hợp đồng.
Theo anh Lin, hai nhân viên nói trên đã phàn nàn rất nhiều về sự phân biệt già trẻ tại Huawei, tình trạng trốn thuế, và các thỏa thuận làm ăn của Huawei với Iran trong nhóm WeChat. Sau khi đồng ý cung cấp tin tức về hành vi bất chính của công ty với giới truyền thông, hai nhân viên Huawei đã "mất tích".
Anh Lin cho biết cả hai người đều tắt điện thoại và không trả lời tin nhắn trên WeChat.
Taiwan News cho hay, ngày 21/12, anh Lin liên lạc với vợ của một trong hai nhân viên Huawei và nhận được tin người này đã bị bắt giam tại Thâm Quyến. Ngoài ra, anh Lin không thể tiếp cận hoặc có thêm thông tin về người còn lại, và lo ngại không biết nhân viên này đã bị bắt giam hay bị bắt cóc.
Tình hình hiện tại của Huawei
Những căng thẳng xoay quanh hãng công nghệ khổng lồ Huawei vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt từ sau khi Giám đốc Tài chính (CFO) Mạnh Vãn Chu bị bắt giữ tại Canada.
Ông Guo Ping, Chủ tịch luân phiên của Huawei, đã lên tiếng chỉ trích một số quốc gia phương Tây vì "có hành vi đối xử không công bằng với Huawei" trong thời gian gần đây.
Dù không nêu tên cụ thể, nhưng có khả năng cao ông Guo Ping đang đề cập tới Australia, New Zealand, Canada, Anh - và tất nhiên là Mỹ.
Trong thông điệp năm mới gửi tới các nhân viên, ông Guo cảnh báo "sự căng thẳng giữa các cường quốc thế giới" - một sự ẩn dụ tới thương chiến Mỹ-Trung Quốc - sẽ trở nên "ngày càng căng thẳng hơn", và cuối cùng "sẽ khiến môi trường kinh doanh vĩ mô trở nên mất ổn định nghiêm trọng".
"Trở ngại sẽ chỉ khiến chúng ta trở nên dũng cảm hơn, và những sự đối xử bất công sẽ đưa Huawei trở thành nhà sản xuất số 1 thế giới," ông Guo nói.
Huawei, công ty sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, đang đối mặt với sự kiểm soát gắt gao của phương Tây vì mối liên kết với chính phủ Trung Quốc.
Một vài quốc gia đã bày tỏ quan ngại rằng thiết bị của Huawei có thể bị chính quyền Bắc Kinh sử dụng để thực hiện các hành vi gián điệp. Huawei đã phủ nhận tất cả các cáo buộc.
"Chúng ta không được nản lòng trước các vụ việc, và phải quyết tâm đạt được vị thế dẫn đầu trên toàn cầu."
Để minh chứng cho lời nói của mình, ông Guo cho biết mặc cho "sự phản kháng" từ phương Tây, Huawei vẫn giữ vững được 26 hợp đồng 5G và hi vọng số lượng điện thoại thông minh được bán ra trong năm nay sẽ vượt qua con số 200 triệu chiếc.
Ông Guo cũng đưa ra dự đoán lạc quan cho tình hình tài chính tương lai của công ty - tăng 21% và đạt được doanh số 109 tỉ USD.
"Công ty của chúng ta sẽ tiếp tục vững mạnh, và những con số đó là sự xác thực rõ ràng nhất chúng ta có thể nhận được từ các khách hàng".
Trong những tháng gần đây, Australia và New Zealand đã cấm Huawei xây dựng các mạng lưới 5G vì lo ngại an ninh quốc gia.
Hôm 28/12, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Anh Gavin Williamson bày tỏ "mối quan ngại sâu sắc" về việc Huawei cung cấp công nghệ cho mạng lưới 5G của Anh.
Theo Reuters, mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cân nhắc ban hành lệnh khẩn cấp quốc gia nhằm cấm các hãng công nghệ Trung Quốc như Huawei và ZTE hoạt động tại Mỹ.
Lệnh này đã được xem xét trong hơn 8 tháng qua và có thể được ban hành trong tháng 1. Khi lệnh được thực hiện, các công ty Mỹ sẽ không được phép mua sản phẩm từ các công ty sản xuất thiết bị viễn thông nước ngoài có nguy cơ gây tổn hại lớn tới an ninh quốc gia Mỹ.
Theo Tất Đạt (Soha/Thời Đại)