Matcha, loại trà xanh dạng bột từng dễ dàng tìm thấy trong các cửa hàng tạp hóa và quán cà phê, nay đã trở nên khan hiếm. Nguyên nhân chính là do sự phổ biến của nó trên mạng xã hội khiến những người yêu thích matcha trên toàn thế giới đang phải tranh giành để có được thức uống yêu thích.
Erica Lee (người sáng tạo nội dung thường xuyên đến Nhật Bản) chia sẻ với Eater rằng mục tiêu chính trong chuyến đi gần đây nhất của cô là mua một hoặc hai hộp matcha. Tuy nhiên, cô chỉ tìm thấy những kệ hàng trống trơn.
Các biển báo được dán trên kệ hàng của siêu thị cảnh báo khách hàng rằng "rất khó" để mua được matcha, theo một đoạn clip trên TikTok. Tại một cửa hàng, quá nhiều sản phẩm đã được bán ra trong năm nay và họ sẽ không có hàng cho đến vụ thu hoạch mới vào tháng 6 năm 2025. Các nhà cung cấp ở Kyoto, Tokyo và các thành phố khác ở Nhật Bản cũng đang gặp phải vấn đề tương tự về nguồn cung.
Nội dung video được đăng bởi người sáng tạo nội dung du lịch @runawaywithk có đoạn: "POV: Các cô gái đã gây ra tình trạng thiếu hụt matcha ở Nhật Bản". Cô cho biết một cửa hàng đã xác nhận có khách hàng mua 25 hộp cùng một lúc.
Trên hashtag #matchatok, những người dùng TikTok đã biến loại trà bột đặc trưng của Nhật Bản này thành một cơn sốt lan truyền. Hashtag này tự hào có hơn 40.000 bài đăng dành riêng cho các phương pháp pha matcha, công thức và các video "đập hộp". Tuy nhiên, chính những người sáng tạo nội dung này đang phải đối mặt với phản ứng dữ dội vì việc tiêu thụ quá mức sản phẩm khi các kệ hàng đang cạn kiệt. Nhiều người dùng thề rằng họ sẽ "không bao giờ tha thứ cho TikTok" vì đã khiến thức uống này trở nên phổ biến như vậy.
Doanh số tăng khủng, kệ hàng trống trơn
Khi những người ủng hộ thức uống này dự đoán nó có thể trở nên phổ biến như cà phê, doanh số bán matcha đã đạt hơn 10 tỷ USD tại Mỹ trong hơn 25 năm, Eater đưa tin. Các chuyên gia trong ngành cho biết, trong khi một số công ty có số lượng matcha hạn chế hoặc đã bán hết hoàn toàn, các thương hiệu ít phổ biến hơn vẫn còn hàng tồn kho. Quản lý Megumi Kanaike của cửa hàng trà Simply Native (Sydney) nói với tờ Guardian rằng trong 6 tháng qua, doanh số bán matcha tại cửa hàng của cô đã tăng vọt lên mức “điên rồ” là 250%. Cô gọi đây là một hiện tượng "bùng nổ bất ngờ trên toàn thế giới".
Marukyu Koyamaen, một trong những thương hiệu trà phổ biến hơn, hiện đã bán hết tất cả các sản phẩm matcha được cung cấp tại cửa hàng trực tuyến quốc tế của công ty. Ông Zach Mangan (chủ sở hữu của công ty trà Kettl ở Brooklyn) đã gặp gỡ đại diện của thương hiệu trong một chuyến đi gần đây đến Nhật Bản. Ông Mangan nói với Eater: "Họ đã đạt được doanh số bán hàng trong khoảng 6 tháng chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng".
Ông đã đến thăm thành phố Uji, nơi "đã có một cuộc chạy đua của một số nhà sản xuất matcha", theo lời ông Mangan. Ông giải thích rằng, vì tencha (lá dùng để làm matcha) chỉ được thu hoạch mỗi năm một lần vào mùa xuân, nên số lượng sản xuất và bán ra bị hạn chế. Ông nói thêm: "Nó không phải cứ mọc ở đó và bạn có thể thu hoạch thêm một lần nữa thật nhanh. Chúng không phải là sản phẩm mà bạn có quanh năm". Tuy nhiên, bà Kanaike lập luận rằng không phải tất cả các loại matcha đều bị ảnh hưởng như nhau, vì một số nhà sản xuất vẫn còn matcha trong kho.
Bà Kanaike nói: "Các thương hiệu bị ảnh hưởng nhiều nhất là những thương hiệu mà mọi người ở nước ngoài yêu thích, những thương hiệu đã lan truyền trên mạng xã hội".
Trong phần bình luận của một video do Meredith Mao (người sáng tạo nội dung đã khoe khoang về số lượng lớn hộp và gói matcha của mình từ nước ngoài trên mạng) đăng tải, người xem đã gọi cô là "tham lam và đáng xấu hổ".
Một người viết: "Tôi cảm thấy tiếc cho tất cả những người đã hào hứng mua một ít matcha nhưng không thể vì sự tiêu thụ quá mức của bạn". Một người khác nói đùa: "Này, chuyện này thật điên rồ". Một người khác nữa chỉ trích: "Với tình trạng thiếu hụt matcha đang diễn ra, tôi nghĩ bạn có thể là nghi phạm số 1 đấy cô gái".
Theo Chi Chi (Thanh Niên Việt)