Những món đồ dùng nhiều khi đã cũ hay hỏng hóc, nhưng đôi khi vì lý do gì đó mà chúng ta sẽ không nỡ vứt bỏ. Đó có thể là một món tài sản có giá trị đầu tiên của chúng ta, hay một chiếc điện thoại thông minh lần đầu tiên chúng ta có...và nó luôn khiến người dùng rất khó để vứt bỏ.
Ngày nay, khi xu hướng những chiếc điện thoại hay máy tính bảng cần nâng cấp càng nhanh, thì số lượng những chiếc đời cũ cần thải bỏ ngày càng trở nên nhiều hơn. Tuy nhiên thay vì loại bỏ, nhiều người vẫn có xu hướng lưu giữ lại chúng bởi đó gắn liền với tuổi thơ hoặc một thời đáng nhớ. Do vậy nhiều người đã tìm đến một dịch vụ có tên "tang lễ cho đồ cũ" nhằm lưu giữ lại cho mình những món đồ một cách trang trọng nhất.
Dịch vụ này được nhiều công ty ở Trung Quốc mở rộng và phát triển cho phép bảo quản món đồ cũ hoặc đã hỏng của chủ nhân giống như những tấc phẩm nghệ thuật. Họ đóng khung, trang trí và đôi khi sẽ tạo điểm nhấn để chủ nhân có thể treo món đồ đó trong nhà.
Lin Xi, một phụ nữ đến từ thành phố Duy Phường, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc bắt đầu kinh doanh dịch vụ "tang lễ cho đồ cũ" từ năm 2019.
Từng du học tại Anh và làm quen với bộ môn lắp ráp thiết bị điện tử, cô Lin đã nảy sinh ý tưởng đưa vào kinh doanh sau một lần tự hỏi “Có quá nhiều đồ điện tử đã cũ quanh đây, tại sao tôi lại không biến chúng thành những tác phẩm nghệ thuật?”.
Sau khi trau dồi kỹ năng về những món đồ điện tử cũ, Lin bắt đầu quảng cáo dịch vụ của mình trên mạng với khẩu hiệu: "Đừng lãng phí những chiếc điện thoại cũ của bạn, hãy để tôi thiết kế lại cho bạn." Cô Lin đã đăng thử một vài sản phẩm của mình và chỉ trong vài ngày cô đã nhận được hơn 200 đơn hàng qua mạng. Và phải mất nửa năm cô mới có thể hoàn thành hết các đơn hàng của mình.
Những đơn hàng đầu tiên của Lin Xi đa phần là những sản phẩm điện thoại đời cổ như Motorola những năm 1970, Nokia 3650, một chiếc Vertu hàng hiếm có giá hơn 200.000 nhân dân tệ (673 triệu), hay phiên bản điện thoại di động đầu tiên sử dụng phần mềm Android được sản xuất đại trà HTC G1. Tất cả những món đồ đó đều được cô Lin thiết kế lại một cách trang trọng, về sau khi dịch vụ của cô được nhiều người biết đến hơn, những sản phẩm đời mới cũng được đặt hàng tới Lin.
Như vào năm 2021, một người thanh niên đã tìm đến với cô để nhờ làm "dịch vụ tang lễ" cho một chiếc điện thoại đời 2014 nhưng đã không còn có thể sử dụng, tuy nhiên anh cho biết đây là món đồ có nhiều kỷ niệm với anh nên anh không thể vứt bỏ món đồ này. Do vậy người thanh niên đã yêu cầu Lin sử dụng dịch vụ đặc biệt để món đồ có thể trở thành món quà kỷ niệm mà anh có thể giữ mãi.
Cái gọi là "dịch vụ tang lễ" cho đồ cũ thực chất là nghệ thuật tháo dỡ và sắp đặt lại các linh kiện của món đồ một cách nghệ thuật. Theo đó các nhân viên sẽ cẩn thận tháo dỡ các thiết bị cũ hoặc đã hỏng ra và cẩn thận xếp chúng vào một chiếc hộp đóng khung theo phong cách "mỹ thuật không gian ảo". Việc tháo dỡ thường không quá khó khăn, nhưng quá trình sắp xếp đòi hỏi người làm phải có một tư duy thẩm mỹ cao và sự nhẫn nại bền hơn những người khác.
Lin Xi chỉ là một trong số những hàng trăm thậm chí có thể làng nghìn những nhân viên kinh doanh dịch vụ "tang lễ cho đồ cũ" này. Chen Xingyi, một người cùng nghề khác nói với Apple Daily rằng đôi khi anh làm việc từ 8 giờ sáng đến 12 giờ đêm để hoàn thành các đơn đặt hàng và kiếm được tới 1 triệu nhân dân tệ (3,3 tỷ đồng) mỗi năm.
Cả Chen Xingyi và Lin Xi đều cảm thấy họ đã giúp khách hàng lưu giữ những kỷ niệm gắn bó với các thiết bị lỗi thời của mình một cách trang trọng, đồng thời cũng đã giúp những người này bảo vệ môi trường khỏi rác điện tử một cách hiệu quả.
QT (Nguoiduatin.vn)