Hôm qua, tiến sĩ Harry J.Kazianis, Tổng biên tập chuyên san The National Interest, Giám đốc nghiên cứu quốc phòng của Trung tâm lợi ích quốc gia Mỹ, đăng bài xã luận trên Fox News cảnh báo về những diễn biến nguy hiểm trên nhóm đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp phi pháp tại đây đối với vùng biển đóng vai trò trọng yếu của thế giới. “Trung Quốc đang tăng tốc trên con đường tiến đến mục tiêu độc chiếm vùng biển then chốt của thế giới và “hô biến” chủ quyền trên biển”, theo chuyên gia Kazianis. Ông cho rằng bất kỳ quốc gia nào độc chiếm được Biển Đông cũng “kiểm soát” được khu vực Đông Á, từ đó phủ định phần lớn vai trò của các nước khác. Chính vì thế, Bắc Kinh “đã có những hành động trơ tráo và nguy hiểm như hoàn thiện hạ tầng và triển khai hàng loạt loại khí tài trên Biển Đông”.
Trên thực tế, các đảo nhân tạo và hoạt động quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc là một phần của chiến lược Chống tiếp cận/Chống xâm nhập (A2/AD) biến nơi này thành “cấm địa” đối với tàu hải quân và máy bay quân sự nước ngoài. Trả lời Thanh Niên, Giáo sư James Holmes, Trường Chiến tranh hải quân (Mỹ), cho rằng Trung Quốc đang ra sức đẩy mạnh xây dựng các tiền đồn quân sự bao gồm hệ thống cảm biến, vũ khí hiện đại và hạ tầng hoàn thiện ở cả quần đảo Trường Sa lẫn Hoàng Sa nhằm tiến đến độc chiếm kiểm soát Biển Đông. Trong khi quốc tế tranh luận thế nào là “quân sự hóa”, thì Bắc Kinh đã “quân sự hóa” trên Biển Đông. Đến nay, theo Giáo sư Holmes, Trung Quốc đã tiến đến giai đoạn cuối của quá trình quân sự hóa vùng biển này. “Trung Quốc có thể ngăn cản các nước thực thi tự do hàng hải, không cho tiếp cận khu vực 12 hải lý của các thực thể mà Bắc Kinh đang chiếm giữ trên Hoàng Sa và Trường Sa”, Giáo sư Holmes lo ngại.
Mặt khác, theo bài xã luận, Mỹ nhiều lần khẳng định mình có trách nhiệm trong việc góp phần giữ gìn hòa bình, ổn định và tự do hàng hải tại Biển Đông. Tuy nhiên, đến nay, Washington bị đánh giá là chưa có động thái thực chất nào có thể làm chậm hành động quân sự hóa của Bắc Kinh. Chiến lược của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump không khác mấy so với thời người tiền nhiệm là đưa tàu chiến đến gần các hòn đảo nhân tạo phi pháp nhằm chứng tỏ không công nhận bất kỳ tuyên bố chủ quyền phi lý nào tại đây. Trên thực tế, mỗi khi tàu chiến Mỹ có động thái “thách thức”, Trung Quốc lại tiếp tục đưa khí tài quân sự ra biển, chẳng hạn như sự xuất hiện phi pháp của tên lửa hành trình chống hạm YJ-12B và hệ thống tên lửa đối không HQ-9B tại 3 bãi đá Chữ Thập, Vành Khăn và Xu Bi thuộc quần đảo Trường Sa. “Nếu việc triển khai tàu chiến của Mỹ chỉ là tạm thời thì sự hiện diện của vũ khí Trung Quốc trong khu vực lại là dài hạn”, ông Kazianis viết.
Chính vì thế, bài xã luận cho rằng đã đến lúc Nhà Trắng phải khởi động chiến lược toàn diện nhằm đẩy lùi các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc tại Biển Đông. Washington cần hợp tác chặt chẽ với các bên khác sử dụng mọi công cụ, bao gồm cả truyền thông để vạch rõ những chiêu bài của Trung Quốc trong việc biến Biển Đông thành “ao nhà”. “Chúng ta không thể để chuyện đó xảy ra”, chuyên gia Kazianis nhấn mạnh.
Trung Quốc tiếp tục hành động hiện thực hóa yêu sách ở Biển Đông
Trả lời kiến nghị của cử tri về cung cấp thông tin liên quan tới tình hình Biển Đông, biên giới với các nước láng giềng để nhân dân nắm thông tin, Bộ Ngoại giao có báo cáo cho biết: Năm 2017, tình hình Biển Đông có nhiều diễn biến phức tạp. Trung Quốc tiếp tục các hoạt động trên cả thực địa và trong ngoại giao nhằm củng cố kiểm soát và hiện thực hóa yêu sách ở Biển Đông. Các nước ASEAN tuy giữ được lập trường chung nhưng phân hóa do tác động của nước lớn. Mỹ cũng tăng cường hiện diện trong khu vực, cùng Nhật Bản, Anh, Úc, Ấn Độ bày tỏ lo ngại, đồng thời thể hiện lập trường mạnh mẽ trong vấn đề Biển Đông như phản đối các hành động đơn phương thay đổi nguyên trạng, đe dọa sử dụng vũ lực, nhấn mạnh quan điểm bảo đảm tự do hàng hải và tôn trọng luật pháp quốc tế.
Bộ Ngoại giao khẳng định chủ trương và lập trường nhất quán của VN là khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa, kiên quyết đấu tranh trước các hành vi vi phạm của Trung Quốc nhằm bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích hợp pháp của VN ở Biển Đông, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về luật Biển năm 1982. Ngoài ra, Bộ Ngoại giao phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng để tăng cường hoạt động bảo hộ tàu cá của VN hoạt động trên biển.
Vũ Hân
Theo Thụy Miên - Hoàng Đình (Thanh Niên Online)