Hộp đen máy bay TransAsia: Hai động cơ đều không hoạt động

07/02/2015 22:02:07

Trong hai động cơ này, một chiếc đã bị hỏng còn một chiếc đã bị các phi công chủ động ngắt điện.

Trong hai động cơ này, một chiếc đã bị hỏng còn một chiếc đã bị các phi công chủ động ngắt điện.
Theo Tân Hoa xã, Ủy ban An toàn Hàng không (ASC) ngày 6/2 cho biết, kết quả giám định hộp đen cho thấy, máy bay gặp sự cố chỉ 37 giây sau khi cất cánh từ sân bay Shongsan của Đài Loan. Khi đó, động cơ thứ 2 (bên phải) đã phát tín hiệu cảnh báo cho các phi công. Sau đó, các phi công cũng đã chủ động ngắt điện của động cơ bên trái.
 

Hai hộp đen của chiếc máy bay Đài Loan (Ảnh Reuters)

 
Thomas Wang, Giám đốc điều hành ASC, cho biết, khi phi công phát đi tín hiệu “động cơ không tiếp nhận được nhiên liệu”, điều đó có thể được hiểu là nguồn cấp nhiên liệu cho động cơ bị gián đoạn hoặc buồng đốt trong động cơ bị hỏng.
 
Tuy nhiên, trên thực tế, động cơ bên trái không bị như vậy và động cơ bên phải đã chuyển sang chế độ dừng hoạt động và không hề có dấu hiệu nào cho thấy áp suất dầu đã thay đổi.
 
“Hệ thống trên máy bay đã cảnh báo động cơ phải của máy bay “không tiếp nhận được nhiên liệu” vào lúc 10h53’28 khi đang bay ở độ cao 365m”, ông Wang nói.
 
“Khi đó động cơ trái của máy bay vẫn hoạt động bình thường nhưng đã bị ngắt vào lúc 10h53’24 mà không có lí do cụ thể”, ông Wang nói thêm.
 
“Trước khi máy bay gặp nạn, không hề có tiếng động cơ bị trục trặc và chúng tôi nghe thấy tiếng phi công phát tín hiệu khẩn cấp vào lúc 10h54’35”, ông Wang cho biết.
 
Theo ông Yann Torres, chuyên gia từ Cục Điều tra An toàn Hàng không của Pháp, chiếc máy bay 72 chỗ ngồi ATR 72-600 có thể cất cánh và bay với chỉ một động cơ còn hoạt động.
 
“Chúng tôi vẫn chưa thể trả lời được câu hỏi tại sao các phi công lại ngắt động cơ còn lại”, ông Torres nói.
 
Theo băng ghi âm tiếng động trong buồng lái, các phi công đã tính đến chuyện đóng van tiếp nhiên liệu của động cơ bên trái vào lúc 10h52’43 chỉ vài giây sau khi hệ thống trên máy bay cảnh báo động cơ phải của máy bay bị trục trặc.
 
Các dữ liệu từ băng ghi âm tiếng động trong buồng lái cho các phi công đã cố gắng để khắc phục lỗi không tiếp nhận nhiên liệu của động cơ bên phải và vào lúc 10h53’07 họ cũng xác nhận rằng động cơ này đã không còn hoạt động được nữa. Cũng vào thời điểm đó, hệ thống trên máy bay đã cảnh báo máy bay đang giảm tốc độ rất nhanh.
 
Vào lúc 10h53’19, các phi công đã nhắc đến chuyện cánh quạt ở động cơ bên phải đã “quay ngược chiều” với chiều bay của máy bay và động cơ này đã bị ngắt điện kèm theo 2 lời cảnh báo liên tiếp về việc máy bay giảm tốc độ nhanh.
 
Sau đó, vào lúc 10h53’34, các phi công đã phát tín hiệu cầu cứu tới đài kiểm soát không lưu. Cùng thời gian đó, hệ thống trên máy bay cảnh báo máy bay có thể bị chết máy ngay lập tức.
 
Tại thời điểm đó, mọi chuyện đã vượt khỏi tầm kiểm soát của các phi công. Họ đã liên lạc với đài kiểm soát không lưu và cho biết một động cơ của máy bay đã được khởi động lại ngay sau khi hệ thống tiếp tục cảnh báo máy bay giảm tốc độ quá nhanh.
 
Sau đó, hệ thống trên máy bay lại tiếp tục cảnh báo vào lúc 10h54’34 và 2 giây sau máy bay lao xuống sông khiến cả hai hộp đen trên máy bay ngừng hoạt động.
 
ASC cho biết, họ sẽ cung cấp một bản báo cáo chi tiết vào đầu tuần tới trong khi bản báo cáo đầy đủ chỉ được công bố sau từ 3-6 tháng tới.
 
>> Thân nhân hành khách chuyến bay GE235 khóc ngất trong tang lễ
>> Người sống sót trên máy bay Đài Loan: "Cảnh tượng giống một cuộc tắm máu"
 
Theo Trần Khánh (Vov.vn)

Nổi bật