"Hồng nhị đại" bị cảnh cáo, chính trường Trung Quốc sắp có "địa chấn"?

18/02/2016 08:58:34

"Hồng nhị đại", những hậu duệ của thế hệ hệ cách mạng đầu tiên của đảng Cộng sản Trung Quốc, mới đây đã được Bắc Kinh triệu tập và cảnh cáo, nhằm ngăn chặn hành vi tham nhũng.

"Hồng nhị đại", những hậu duệ của thế hệ hệ cách mạng đầu tiên của đảng Cộng sản Trung Quốc, mới đây đã được Bắc Kinh triệu tập và cảnh cáo, nhằm ngăn chặn hành vi tham nhũng.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters

 
Bắc Kinh cảnh cáo "hồng nhị đại"
 
Trang Đa Chiều (Mỹ) ngày 17/2 đưa tin, Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương Trung Quốc (CCDI) cùng Ban tổ chức trung ương Trung Quốc mới đây đã lần lượt triệu kiến hơn 200 nhân vật "hồng nhị đại" để trao đổi và tái khẳng định "6 điều không được phép".
 
Trong môi trường chính trị Trung Quốc hiện nay, "hồng nhị đại", tức con cháu của thế hệ "giành giang sơn" đầu tiên của đảng Cộng sảnTrung Quốc, là một tập thể rất đặc thù.
 
Chính Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, con trai ông Tập Trọng Huân - người từng giữ chức Phó thủ tướng Trung Quốc, là một nhân vật "hồng nhị đại".
 
Tập thể này có sức mạnh chính trị vượt trội hơn các nhóm khác và được đánh giá là "thành phần tinh anh có ý thức mạnh mẽ", có thể tạo ra ảnh hưởng rất to lớn đến nền chính trị Trung Quốc.
 
Chính vì vậy, động thái "nắn gân" nhằm vào "hồng nhị đại" được cho sẽ tạo ra những biến động khó lường trên chính trường Trung Quốc.
 
"Cơn địa chấn" này có thể không xảy ra tức thì nhưng ở mức độ nào đó cũng có ảnh hưởng tương tự cuộc cải cách quân đội quy mô mà Bắc Kinh đang tiến hành, Đa Chiều cho hay.
 
Chính phủ Trung Quốc trong báo cáo công tác chống tham nhũng năm 2016 đã khẳng định sẽ duy trì "tiết tấu không đổi, sức mạnh không đổi", khiến truyền thông quốc tế đưa ra nhiều đồn đoán về "cơn bão chống tham nhũng" trong năm nay.
 
Theo Đa Chiều, đây không phải là lần đầu CCDI cho ra đời những biện pháp kiềm chế, kiểm soát nhằm vào "hồng nhị đại" cùng các nhóm đặc thù khác.
 
Gần đây nhất, vụ Chủ tịch China Telecom Thường Tiểu Binh bị CCDI tuyên bố điều tra vào cuối tháng 12/2015 nhận được sự quan tâm lớn, một phần bởi ông này mang thân phận một "hồng nhị đại".
 
Trước đó, "hồng nhị đại" nổi tiếng từng bị Bắc Kinh xử lý chính là cựu Bí thư thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai, con trai một trong "khai quốc công thần" của Trung Quốc Bạc Nhất Ba.
 
Bên cạnh đó, những "hồng nhị đại" khác như tướng Lưu Nguyên - con trai cố Chủ tịch Trung Quốc Lưu Thiếu Kỳ, Đào Tư Lượng - con gái cố Phó thủ tướng Trung Quốc Đào Chú... được biết đến là có đóng góp lớn trong cuộc chiến "đả hổ" của ông Tập.
 
Các nhà quan sát ở Bắc Kinh chỉ ra, cuộc sống của những "hồng nhị đại", dù không làm quan chức, vẫn bị chính trị hóa cao độ bởi nhận thức đối với "chủ nhân của quốc gia" vốn tồn tại nhiều thập kỷ qua trong xã hội Trung Quốc.
 
Việc tướng Mao Viễn Tân trở thành quan chức cấp tỉnh trẻ nhất trong lịch sử ĐCSTQ, khi mới 27 tuổi, từng khiến truyền thông quốc tế xôn xao bởi ông này là cháu của lãnh tụ Trung Quốc Mao Trạch Đông.
 

Thường Tiểu Binh, "hồng nhị đại" mới "ngã ngựa" trong chiến dịch chống tham nhũng của Trung Quốc. (Ảnh: SCMP)

 
Ông Tập nhằm vào "hồng nhị đại" trong cuộc chiến chống tham nhũng
 
Yếu tố "nguồn gốc cách mạng" cũng thường xuyên được các nhà phân tích đưa vào khi đánh giá về những thành tích chính trường hay việc thăng tiến của các quan chức Trung Quốc.
 
Nhân dân Nhật báo ngày 22/12/2014 liệt kê danh sách 27 tướng lĩnh thuộc quân đội Trung Quốc có "bối cảnh cách mạng" mà đứng đầu là Thượng tướng Trương Hựu Hiệp.
 
Bản danh sách liệt kê đầy đủ xuất thân cũng như thành tích trong cách mạng của phụ huynh các tướng lĩnh này, được tung ra vào thời điểm chuẩn bị kết thúc một năm cao trào của chiến dịch "đả hổ đập ruồi".
 
22/12 cũng là ngày mà CCDI ra thông báo về vụ "ngã ngựa" chính thức của cựu Chánh văn phòng trung ương Trung Quốc Lệnh Kế Hoạch, một trong những "con hổ" lớn nhất mà đến nay Bắc Kinh vẫn gặp nhiều rắc rối trong việc xử lý các vấn đề liên quan.
 
Động thái của Nhân dân Nhật báo sau đó được cho là nhằm kêu gọi và khẳng định sự ủng hộ của quân đội đối với các hành động của Bắc Kinh.
 
Đa Chiều cho biết, hiện tượng các quan chức "hồng nhị đại" trong chính trường Trung Quốc hiện nay có hành vi tham nhũng vẫn được lan truyền, nhưng nhà chức trách vẫn còn xem đây là "vùng nước sâu" khó can thiệp.
 
Với động thái mới đây của CCDI nhằm vào "hồng nhị đại", ông Tập Cận Bình dường như muốn tiến sâu hơn trong cuộc chiến chống tham nhũng của mình, sau khi đã "càn quét" qua hàng loạt hệ thống "gai góc" như dầu khí, tài chính, viễn thông và đặc biệt là quân đội.
 
Song song với việc Bắc Kinh gia tăng điều tra tham nhũng tại các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc sừng sỏ, có nhiều dự đoán rằng các "hồng nhị đại" can thiệp rất sâu ở một số ngành nghề, lĩnh vực có khả năng bị biến thành những "hổ" tiếp theo.
 
Trước khi một "hổ béo" nào đó xuất hiện và tạo ra biến động về chính trị ở Trung Quốc, việc nhắc nhở "6 điều không được phép" với các hậu duệ cách mạng cũng có thể xem là một "liều thuốc gây tê" cho tình hình hiện tại.
 
Quy định "6 điều không được phép" của CCDI đối với quan chức Trung Quốc
 
1. Không được phép lợi dụng chức quyền để vi phạm quy định, can dự và tham gia xây dựng công trình, việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị.
 
2. Không được phép nhận tiền mặt, chứng khoán hoặc chứng từ thanh toán có giá trị từ các cá nhân, đơn vị có quan hệ với lĩnh vực mà mình nắm quyền.
 
3. Không được phép để vợ/chồng, con cái, họ hàng và cấp dưới lợi dụng ảnh hưởng từ chức vụ của lãnh đạo để trục lợi.
 
4. Không được phép lợi dụng quyền hạn, chức vụ để can thiệp vào hoạt động bình thường của việc tuyển dụng, đánh giá năng lực, thẩm định dự án nghiên cứu khoa học...
 
5. Lãnh đạo chủ chốt không được phép giữ bất kỳ vị trí giám đốc, Chủ tịch HĐQT nào của các đơn vị kinh doanh trong xã hội.
 
6. Không được phép tự tiện quyết định đầu tư tài chính của trường học với bên ngoài hoặc đầu tư mạo hiểm, mua cổ phiếu...
 
>> Phu nhân quan tham và những chiêu trò thăng tiến
>> Lộ diện "người tình chung" của hàng chục vợ quan Trung Quốc?
 
Theo Hải Võ (Soha.vn/Trí Thức Trẻ)