Trước đó, Reuters đưa tin các nhà hoạt động đã ném bom xăng và gạch vào các cột đèn thông minh được gắn camera giám sát ở quận Kwun Tong. Những người biểu tình khác được nhìn thấy dựng rào chắn bằng tre.
Cảnh sát buộc phải sử dụng hơi cay để đẩy lùi đám đông và bắt giữ 29 kẻ quá khích – bao gồm 19 người đàn ông và 10 phụ nữ. Họ trong độ tuổi từ 17-52, bị cáo buộc sở hữu vũ khí tấn công và hành hung lực lượng an ninh. Tổng cộng hơn 700 người đã bị bắt giữ kể từ làn sóng biểu tình nổ ra hồi tháng 6.
Một số ga tàu ở Hồng Kông tạm ngừng hoạt động vào sáng 25-8. Trong khi đó, sân bay quốc tế của đặc khu vẫn đưa đón hành khách như bình thường.
Hôm 25-8, cảnh sát mạnh mẽ lên án người biểu tình "vi phạm trật tự công cộng". Tuy nhiên, một cuộc biểu tình được lên kế hoạch cùng ngày tại quận Tsuen Wan. Ban tổ chức cũng kêu gọi tuần hành phản đối trên toàn đặc khu và tại các trường đại học trong những tuần tới.
Tính đến chiều 25-8 (giờ địa phương), hàng ngàn người biểu tình bất chấp trời mưa vẫn tập trung tại sân vận động thể thao Kwai Chung, sẵn sàng cho một đợt tuần hành dự kiến kết thúc ở công viên Tsuen Wan. Họ mang theo biểu ngữ ghi dòng chữ: "Giải phóng Hồng Kông, cuộc cách mạng của thời đại chúng ta". Một số cư dân địa phương xảy ra ẩu đả và cảnh sát được huy động để giúp đóng cửa ga tàu Kwai Fong.
Chính quyền Hồng Kông tuyên bố cảnh sát sẽ theo dõi chặt chẽ tất cả hành vi bất hợp pháp, đồng thời kêu gọi người biểu tình không sử dụng bạo lực để khôi phục lại trật tự càng sớm càng tốt.
Cư dân Hồng Kông tham gia hàng loạt cuộc biểu tình từ tháng 6 để phản đối dự luật dẫn độ gây tranh cãi, trong đó cho phép đưa nghi phạm tại Hồng Kông sang Trung Quốc xét xử. Hôm 24-8, Bắc Kinh trả tự do cho nhân viên lãnh sự quán Anh tại Hồng Kông Simon Cheng. Vụ bắt giữ người này đã gây căng thẳng tại đặc khu.
Theo Phạm Nghĩa (Nld.com.vn)