Sáng 13-6, Cảnh sát chống bạo động và đoàn người biểu tình ở Hong Kong đã chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc đụng độ diễn ra ở khu tài chính của thành phố sau một ngày dài xử lý đoàn người biểu tình chống dự luật dẫn độ về Trung Quốc.
Tính đến 10 giờ tối qua (12-6), đã có 72 người bị thương phải nhập viện, trong đó có hai người đang trong tình trạng nghiêm trọng, theo một quan chức Bệnh viện Hong Kong.
Với biển người biểu tình chặn đứng mọi ngả đường, cảnh sát được điều động với số lượng lớn. Theo tờ The Guardian, lực lượng cảnh sát sử dụng bình xịt hơi cay và bắn đạn cao su, xịt nước vòi rồng để ngăn cản những đối tượng kích động, cũng như thủ sẵn biển cảnh báo rằng họ được chuẩn bị để dùng vũ lực trấn áp nếu đám đông trở nên quá khích.
Trong sáng 12-6, đoàn người biểu tình lên đến hàng ngàn người đã bao vây trung tâm hành chính của đặc khu khiến các nghị sĩ không thể vào bên trong tòa nhà của Hội đồng Lập pháp vào sáng 12-6. Cuộc họp để thảo luận về dự luật này, vốn lên kế hoạch vào 11h, đã bị hủy bỏ và thời gian họp mới chưa được công bố.
Tuy nhiên, việc trì hoãn này cũng không thể giải tán đám đông người biểu tình. Nhiều nhóm hoạt động, doanh nghiệp và hiệp hội nghề nghiệp tại Hong Kong đã tuyên bố họ sẽ đình công và đóng cửa tiệm trong ngày 12-6 để biểu tình.
Đến tối 12-6, hàng trăm cảnh sát chống bạo động có thể được nhìn thấy đang nghỉ ngơi và nhóm lại qua đêm trong khi những người biểu tình dừng lại để tiếp thêm nước, kính chống khói, và mũ bảo hộ. Vài ngàn người biểu tình vẫn ở gần cơ quan lập pháp ở quận Admiralty, trong khi hàng ngàn người khác đã rút lui về khu thương mại trung tâm. các nhân chứng của Reuters đưa tin.
Trưởng Đặc khu Hong Kong bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga cũng mô tả cuộc biểu tình là "bạo loạn có tổ chức" và kêu gọi mọi người bình tĩnh trở lại.
"Những hành động bạo loạn gây thiệt hại cho xã hội hòa bình, bỏ qua luật pháp và kỷ luật là điều không thể chấp nhận được đối với bất kỳ xã hội văn minh nào" - bà tuyên bố trong một đoạn video.
Đến cuối giờ chiều 12-6, cảnh sát trưởng Hong Kong Stephen Lo Wai-chung đã phải tuyên bố “tình trạng bạo động”. Với tuyên bố này, những người bị bắt trong đợt biểu tình này có thể sẽ phải chịu hậu quả nghiêm trọng khi tội bạo động bị xử đến 10 năm tù.
Cảnh sát Hong Kong cũng đang điều tra người đe dọa giết bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, Trưởng Đặc khu Hong Kong và người đứng đầu cơ quan tư pháp thành phố cũng như người thân của họ.
Những cuộc biểu tình lớn nổ ra gần đây ở Hong Kong nhằm kêu gọi phản đối dự luật dẫn độ sắp được thông qua. Dự luật dẫn độ đề xuất cho phép Hong Kong dẫn độ những nghi phạm hình sự tới những vùng mà Hong Kong không có các thỏa thuận dẫn độ chính thức, trong đó bao gồm cả Trung Quốc đại lục.
Dù dự luật không bao gồm các tội danh chính trị và chính quyền Hong Kong cam kết sẽ xem xét kỹ các vụ liên quan tới nhân quyền, nhưng nhiều người lo ngại chính quyền Bắc Kinh sẽ đe dọa sự độc lập tư pháp của đặc khu này. Luật này cũng có thể kéo theo việc các chính trị gia đối lập, hoặc người bất đồng chính kiến ở Hong Kong bị dẫn độ về Trung Quốc đại lục.
Trái lại, các nhà lãnh đạo của Hong Kong nói rằng cần phải chặn các sơ hở và ngăn thành phố trở thành thiên đường ẩn náu cho tội phạm chạy trốn. Ngoài ra, họ cũng cho rằng dự luật dẫn độ sẽ góp phần hoàn thiện hơn hệ thống pháp luật hiện tại của Hong Kong.
Sáng 10-6, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, dù bị dọa giết vẫn nói rằng bà không có kế hoạch rút điều khoản cho phép dẫn độ nghi phạm, tội phạm sang Trung Quốc đại lục ra khỏi dự luật đang bị tranh cãi.
Theo bà Lâm, “đây là điều khoản rất quan trọng của luật, giúp giữ vững công lý và đảm bảo Hong Kong tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ quốc tế liên quan các tội phạm xuyên biên giới và xuyên quốc gia”.
Theo Tú Quyên (Pháp Luật TPHCM)