Tài khoản AH Siddiqui trên Twitter đăng tải video cho thấy người đàn ông ở bang Karnataka (Ấn Độ) đang cố gắng hôn con rắn hổ mang.
Con rắn bất ngờ lao về phía người đàn ông, cắn vào môi anh ta, khiến anh ta phải thả nó xuống. Những người chứng kiến vụ việc đã tìm cách bắt rắn, nhưng nó trốn thoát rất nhanh.
Theo tài khoản Siddiqui, người đàn ông là "chuyên gia bò sát" đã "giải cứu" con rắn.
Rắn hổ mang khá phổ biến ở Ấn Độ và Đông Nam Á. Chúng được coi là một trong những loài rắn độc nguy hiểm. Lượng nọc độc mà rắn hổ mang tiết ra trong một lần cắn có thể đủ để giết 20 người.
"Đáng tiếc là những hành động liều lĩnh như thế này khá phổ biến tại Ấn Độ. Có hàng ngàn người 'giải cứu' rắn ở Ấn Độ, một số có kinh nghiệm và cung cấp các dịch vụ như bắt rắn trong nhà hoặc vườn của người dân, sau đó thả chúng tới nơi an toàn," nhà nghiên cứu Romulus Whitaker, hiện đang công tác tại Ấn Độ, cho biết.
"Nhưng những người khác, chẳng hạn như người đàn ông này, muốn được chú ý và làm những điều điên rồ, chẳng hạn như quấn rắn quanh cổ hoặc hôn rắn. Trong vài năm qua, chúng tôi ghi nhận ít nhất 25 trường hợp người giải cứu thiệt mạng vì rắn cắn như vậy. Rắn rất sợ con người và chỉ cắn để tự vệ," Whitaker giải thích.
Whitaker cho biết loài rắn trong video là rắn hổ mang Ấn Độ, "có nọc độc rất mạnh, chủ yếu là độc tố gây hại thần kinh". "Nọc độc của loài rắn này có thể khiến con người tử vong trong vài giờ", ông nói.
Jose Louies, giám đốc Quỹ Bảo tồn Tự nhiên Ấn Độ, cho biết người đàn ông trong video hiện đang trong tình trạng nguy kịch. Louies cũng nói những vụ việc như thế này ngày càng nhiều, do người giải cứu rắn "làm như vậy để thu hút sự chú ý của người dân và cộng đồng mạng".
"Rắn thường không tấn công, trừ khi bị kích động. Tìm cách hôn nó rõ ràng là đã đi quá giới hạn," Louies nói thêm.
"Mỗi năm ở Ấn Độ có khoảng 50.000 người chết vì rắn cắn. Đa số trường hợp không được điều trị ở bệnh viện, do nạn nhân thường được đưa tới các thầy lang để chạy chữa... Người đàn ông trong video hiện đang nguy kịch. Anh ta dường như không phải là một chuyên gia có thể hiểu được hành vi của rắn," Louies cho hay.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm Ấn Độ ghi nhận khoảng 5 triệu ca rắn cắn. Tại các vùng nông thôn của nước này, nạn nhân rắn cắn thường không được tiếp cận chữa trị kịp thời. Nếu bị rắn độc như hổ mang cắn, nạn nhân cần lượng lớn thuốc giải độc, thường chỉ có ở các bệnh viện.
"Thực tế là rắn cắn thường xảy ra ở các khu vực hẻo lánh, di chuyển nạn nhân tới bệnh viện có thể mất hàng giờ và người dân rất tin tưởng các thầy lang," Whitaker nói.
"Do hầu hết các trường hợp rắn cắn không nguy hiểm tới tính mạng, các thầy lang sử dụng nhiều 'phương thuốc' thường được coi là chạy chữa thành công. Những người được đưa đến bệnh viện quá trễ sẽ tử vong, do đó người dân mất niềm tin vào bệnh viện," ông giải thích thêm.
Đan Anh (Nguoiduatin.vn)