Hỗn loạn tại thủ phủ có 8.000 tấn vàng của Venezuela

03/02/2019 06:54:34

Giao tranh giữa quân đội và các băng đảng khai thác trái phép là điều thường thấy ở Arco Minero del Orinoco, nơi được cho là có tới 8.000 tấn vàng.

Hỗn loạn tại thủ phủ có 8.000 tấn vàng của Venezuela
Các công nhân đào vàng trong những khu mỏ nằm sâu dưới lòng đất ở Arco Minero del Orinoco. Ảnh: Bloomberg.

Tại thủ phủ vàng của Venezuela, lực lượng an ninh lập trạm gác chắn đường, các đoàn xe quân sự chở binh sĩ, mũ trùm kín mặt, tay cầm súng trường, liên tục đi tuần.

Đây là cảnh tượng hồi tháng 4 năm ngoái ở thị trấn El Callao thuộc khu vực Arco Minero del Orinoco, rộng 180.000 km2, nơi chính quyền Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro tuyên bố có trữ lượng vàng lên tới 8.000 tấn, lớn thứ hai thế giới, sau Australia, theo Bloomberg.

Quân đội Venezuela đã chiến đấu suốt nhiều tháng nhằm làm chủ El Callao và đẩy lùi những băng nhóm khai thác vàng trái phép khỏi Arco Minero del Orinoco. Giao tranh là điều không tránh khỏi nhưng đi kèm với đó, tính mạng dân thường cũng bị đe dọa.

Năm 2017, sản lượng vàng khai thác ở Arco Minero del Orinoco đạt 8,5 tấn. Ngành khai thác vàng ở Venezuela bị đình trệ sau khi cố tổng thống Hugo Chavez quốc hữu hóa ngành này hồi năm 2011 và các băng đảng bắt đầu hoạt động khai thác trái phép. Sản lượng năm 2016 giảm chỉ còn một tấn, theo công ty nghiên cứu thị trường CPM Group. Nhưng cùng năm, Tổng thống Maduro đã trao cho lực lượng vũ trang quyền lực an ninh lớn hơn, đồng thời cho phép họ thành lập một công ty cung cấp dịch vụ khai khoáng. Ông mời 150 công ty tham gia khai thác kim cương, vàng và coltan trong khu vực nhưng rất ít đối tác thực hiện.

Kể từ đây, các cuộc xung đột thường xuyên nổ ra giữa binh sĩ chính phủ và những băng đảng khai thác vàng trái phép đối địch. Tháng 2/2018, một cuộc giao tranh đã khiến 18 dân thường thiệt mạng.

Trong một hầm mỏ do băng đảng điều hành nằm sâu vài trăm mét dưới lòng đất ở ngoại ô El Callao, Gregorio Aguilar cần mẫn kéo các bao đá và bùn đất trong một ca làm việc kéo dài 36 tiếng. Cuộc sống khó khăn buộc anh phải dấn thân, dù điều kiện lao động vô cùng tồi tàn. "Còn lựa chọn nào khác cơ chứ?", Aguilar, 28 tuổi, nói. "Chúng tôi tới để sinh tồn".

Tuy nhiên, không phải ai cũng sống sót. Năm 2017, El Callao đứng đầu trong danh sách những thị trấn bạo lực nhất Venezuela với số vụ án mạng lên tới 816 trên 100.000 dân, theo tổ chức Giám sát Bạo lực Venezuela.

El Callao nằm giữa vùng rừng rậm núi cao dọc sông Yuruari, tập trung nhiều nhà môi giới vàng, các cửa hàng bán dụng cụ khai thác. Hoạt động đào vàng, mua bán, trao đổi vàng luôn diễn ra nhộn nhịp. Lực lượng an ninh gần như hiện diện ở mọi khâu.

Hỗn loạn tại thủ phủ có 8.000 tấn vàng của Venezuela - 1
Binh sĩ Venezuela gác tại một trạm kiểm soát ở El Callao. Ảnh: Bloomberg.

Trên quãng đường 190 km từ thị trấn Puerto Ordaz lân cận tới El Callao, có hơn 12 trạm kiểm soát của quân đội và cảnh sát. Theo một số nguồn tin, bên cạnh việc trấn áp các cá nhân đào vàng phi pháp, các băng nhóm hay những kẻ buôn lậu vàng, quân đội được cho là còn nhận tiền từ các nhóm vũ trang trong vùng để cho phép họ khai thác. Những nhóm này sau đó lại tuyển mộ người dân "bán sức" cho họ.

Ngân hàng trung ương Venezuela mua vàng từ một số nhà môi giới được lựa chọn, hiệp hội các khu mỏ hay các nhóm đã đăng ký khai thác ở El Callao. Quặng vàng sau đó được nung thành thỏi rồi chuyển về thủ đô Caracas trên các máy bay quân sự.

Khi vàng về tới thủ đô, chúng được lên sóng truyền hình quốc gia trong những buổi lễ trang trọng. Tổng thống Nicolas Maduro có lần được nhìn thấy hôn những thỏi vàng lấp lánh với khuôn mặt đầy hào hứng. Nhưng để có được khoảnh khắc như thế, Arco Minero đã phải "oằn mình". Năm ngoái, truyền thông địa phương đưa tin bạo lực khiến hàng chục người thiệt mạng ở El Callao và những khu vực xung quanh.

Carlos Alfredo Brito, 27 tuổi, là người vận chuyển xăng cho những băng nhóm đào vàng. Nhờ công việc này, anh có tiền mua rau, chăn nuôi và sắm sửa đồ đạc gia đình, nhưng Brito vẫn cần tiền để mua thuốc trị động kinh cho mẹ.

"Tôi đã xin nó hãy di cư sang Peru như bao người trẻ khác ở Venezuela", Petra Rodriguez, 52 tuổi, đến từ thị trấn bé nhỏ Soledad, ngậm ngùi nói.

Theo Miguel Linares, người móc nối Brito với một băng đảng đào vàng giao cho anh nhiệm vụ vận chuyển 20 thùng xăng, chuyến đi cuối cùng của Brito là một canh bạc.

Brito cùng 5 người khác trong nhóm được trả thù lao bằng vàng. Họ di chuyển trên một chiếc SUV cùng hai xe tải, thỉnh thoảng dừng lại giữa chừng để sửa xe và bán chút xăng lấy tiền mua phụ tùng.

Mẹ Brito lần cuối nghe tin con trai mình vào ngày 8/2/2018. Bà đã nhắn tin cho Brito để báo rằng bà vừa tìm được 11 hộp thuốc và cầu Chúa ban phước lành cho anh.

"Amen, mẹ yêu", Brito nhắn lại. "Thật nhẹ lòng. Mẹ không thể biết tin nhắn này khiến con vui thế nào đâu. Con yêu mẹ".

Đêm 9/2, nhóm của Brito ở lại khu mỏ, giao nộp điện thoại di động cho băng đảng. Không lâu sau, quân đội ập đến. Sau một cuộc đụng độ, các binh sĩ quân đội tịch thu được súng trường, súng ngắn cùng lựu đạn, báo cáo nội bộ cho biết nhưng không giải thích lý do vì sao quân đội lại đột kích khu mỏ trên. Họ nói các nạn nhân phản kháng chính quyền nhưng gia đình những người thiệt mạng phủ nhận.

Một phát ngôn viên Bộ Quốc phòng từ chối bình luận. Bộ trưởng Khai khoáng Venezuela Victor Hugo Cano cho hay lực lượng vũ trang luôn tôn trọng nhân quyền nhưng các công nhận khai thác mỏ cần tôn trọng luật pháp. "Nếu họ thực hiện các hoạt động phạm tội, họ không thể mong mình được đối xử như những vị thánh", ông nhấn mạnh.

Ngày 10/2, mẹ Brito lại nhắn tin cho anh. "Chúa phù hộ con, con trai! Con thế nào rồi? Con đang làm gì?". Không có phản hồi. Gia đình nhận tin anh đã thiệt mạng cùng ngày.

Hỗn loạn tại thủ phủ có 8.000 tấn vàng của Venezuela - 2
Cha và dì Brito bên ngôi mộ của anh. Ảnh: Bloomberg.

Theo Vũ Hoàng (VnExpress.net)