Trong các chương trình trò chuyện sáng 6-4, các cố vấn kinh tế hàng đầu của Tổng thống Donald Trump cố gắng giảm thiểu cú sốc kinh tế sau khi nhà lãnh đạo Mỹ công bố mức thuế quan đối ứng với hàng loạt quốc gia.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent tiết lộ hơn 50 quốc gia đã bắt đầu đàm phán với Mỹ. Chi tiết các cuộc đàm phán không được đề cập.
Việc đàm phán đồng thời với nhiều quốc gia có thể đặt ra thách thức về mặt hậu cần cho chính quyền Tổng thống Donald Trump và kéo dài tình trạng bất ổn kinh tế.
Ông Bessent cũng hạ thấp mức độ nghiêm trọng sự sụt giảm của thị trường chứng khoán và khẳng định "không có lý do gì để dự đoán suy thoái dựa trên mức thuế quan”, viện dẫn mức tăng trưởng việc làm mạnh hơn dự kiến của Mỹ.
Thuế quan đối ứng của Tổng thống Donald Trump làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến thương mại và suy thoái toàn cầu.
Các nhà kinh tế của công ty dịch vụ tài chính JPMorgan ước tính tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ trong cả năm nay sẽ giảm 0,3% (so với dự báo tăng trưởng 1,3%) và tỉ lệ thất nghiệp sẽ tăng từ 4,2% hiện tại lên 5,3%.
Các nhân viên hải quan Mỹ đã bắt đầu thu thuế cơ bản 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu từ nhiều quốc gia vào ngày 5-4. Mức thuế "có đi có lại" cao hơn (11%-50%) đối với từng quốc gia sẽ có hiệu lực vào ngày 9-4.
Một số quốc gia đánh tín hiệu sẵn sàng hợp tác với Mỹ để tránh thuế quan đối ứng.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho hay ông sẽ tìm cách hoãn mức thuế 17% trong cuộc họp được lên kế hoạch với Tổng thống Donald Trump ngày 7-4.
Một quan chức Ấn Độ cho biết họ không định trả đũa mức thuế 26% và đang đàm phán với Mỹ về một thỏa thuận tiềm tàng.
Tại Ý, Thủ tướng Giorgia Meloni cam kết sẽ bảo vệ các doanh nghiệp chịu thiệt hại do mức thuế 20% đối với hàng hóa từ Liên minh châu Âu (EU).
Trong khi đó, người đứng đầu Đài Loan (Trung Quốc) Lai Ching-te hôm 6-4 đưa ra mức thuế bằng 0 làm cơ sở cho các cuộc đàm phán với Washington, đồng thời cam kết xóa bỏ các rào cản thương mại và tuyên bố các công ty sẽ tăng đầu tư vào Mỹ.
Các doanh nghiệp công nghệ Đài Loan thường đứng sau gia công sản phẩm cho các các công ty lớn về công nghệ của Mỹ nói riêng.
Theo Phạm Nghĩa (Nld.com.vn)