213 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận 5.076.003 ca nhiễm và 329.112 ca tử vong, tăng lần lượt 86.893 và 4.667 ca so với hôm qua, trong khi 1.902.554 người đã hồi phục, theo thống kê của Worldometer.
Tổng số ca nhiễm và tử vong do nCoV ở Mỹ lần lượt là 1.589.372 và 94.902, sau khi ghi nhận thêm 18.789 ca nhiễm và 1.369 ca tử vong trong 24 giờ qua.
Tất cả 50 bang của Mỹ đã nới lỏng phong tỏa nhưng với những biện pháp không đồng đều. Một số bang như Georgia và Texas gỡ nhiều hạn chế trong khi các bang khác có cách tiếp cận thận trọng hơn. Baltimore cấm tụ tập hơn 10 người và các cửa hàng bán lẻ vẫn đóng cửa.
Bang New York thực hiện xét nghiệm các nhân viên tiệm tạp hóa và hiệu thuốc. Thị trưởng New York Bill de Blasio cho biết thành phố có đủ đồ bảo hộ cá nhân cho đến hết tháng 5.
Nga ghi nhận 8.764 ca nhiễm nCoV mới trong 24 giờ qua, mức tăng thấp nhất kể từ ngày 1/5, nâng tổng số ca nhiễm toàn quốc lên 308.705, trong đó 2.972 người chết.
Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Nga Melita Vujnovic nhận định tình hình Covid-19 tại Nga "đã bước vào giai đoạn ổn định", song đề nghị nước này nỗ lực hơn để giảm ca nhiễm mới. Nga đã nới lỏng các biện pháp hạn chế để ngăn nCoV, nhưng khuyến cáo người dân đeo găng tay và khẩu trang khi ra khỏi nhà, tránh tụ tập đông người ở nơi công cộng. Lực lượng chức năng Nga triển khai nhiều biện pháp để phát hiện người vi phạm quy định cách biệt cộng đồng để giải tán hoặc xử lý họ.
Tây Ban Nha báo cáo thêm 721 ca nhiễm và 110 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 279.524 và 27.888. Chính phủ ra nghị định yêu cầu người từ 6 tuổi trở lên đeo khẩu trang ở những nơi công cộng không thể thực hiện giãn cách xã hội. Tình trạng khẩn cấp ở Tây Ban Nha sẽ hết hạn vào ngày 23/5, Thủ tướng Pedro Sanchez muốn quốc hội chấp nhận gia hạn thêm hai tuần.
Nhiều cơ sở kinh doanh tại Tây Ban Nha đã nối lại hoạt động. Quán bar, nhà hàng và cơ sở tôn giáo ở một số khu vực được mở cửa trở lại. Tại Madrid và Barcelona, những nơi áp đặt hạn chế khắt khe nhất, cửa hàng hiện có thể tiếp nhận khách hàng mà không cần hẹn trước và bảo tàng có thể mở cửa trở lại dù giới hạn lượng khách. Các cửa hàng rộng hơn 400 m2 được phép mở lại trên cả nước, nhưng cũng hạn chế lượng khách.
Anh ghi nhận 248.293 ca nhiễm, trong đó 35.704 người chết, tăng 363 ca. Thủ tướng Johnson cho biết chính phủ sẽ tuyển thêm 25.000 người truy vết tiếp xúc vào đầu tháng tới, có khả năng xử lý 10.000 trường hợp mới mỗi ngày, số xét nghiệm thực hiện trong một ngày sẽ đạt 200.000.
Từ tuần trước, Anh bắt đầu khuyến khích người dân quay trở lại làm việc nếu công việc của họ không thể làm từ xa, như ngành sản xuất hoặc xây dựng. Người dân cũng được tập thể dục ngoài trời không giới hạn, có thể tham gia các môn thể thao nhiều người như đánh golf, tennis và câu cá, miễn là những người đi cùng đều là thành viên trong một gia đình.
Italy ghi nhận thêm 665 ca nhiễm và 161 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 227.364 và 32.330. Tốc độ lây lan đang có chiều hướng giảm.
Chính quyền dự kiến cho phép tự do đi lại lại từ ngày 3/6, đánh dấu bước nới lỏng hạn chế lớn sau khi Italy là quốc gia châu Âu đầu tiên phong tỏa toàn quốc hồi tháng 3. Tất cả các sân bay có thể mở cửa trở lại từ ngày này. Italy sẽ mở biên với các nước EU và gỡ quy định cách ly bắt buộc đối với người nhập cảnh.
Pháp báo cáo 181.575 ca nhiễm và 28.132 ca tử vong, tăng lần lượt 766 và 110 trường hợp. Cả hai mức tăng đều thấp hơn so với một ngày tước đó.
Pháp đã nới lỏng phong tỏa từ ngày 11/5. Số ca nhiễm mới không tăng đáng kể so với tuần cuối cùng trước khi nới phong tỏa. Giới chức y tế khuyến cáo người dân đeo khẩu trang khi đến thăm nhà nhau và khử trùng các bề mặt như tay nắm cửa.
Đức ghi nhận thêm 72 ca tử vong vì nCoV, nâng số người chết do đại dịch ở quốc gia này lên 8.265 trong 178.494 ca nhiễm.
Từ 20/4, 16 bang khắp nước Đức từng bước dỡ bỏ lệnh hạn chế ở các mức độ khác nhau. Đức cũng bắt đầu nới lỏng kiểm soát biên giới với một số nước láng giềng từ ngày 16/5, mục tiêu là nối lại việc đi lại tự do ở châu Âu từ giữa tháng 6.
Tốc độ tăng ca nhiễm và tử vong ở châu Âu đã giảm đáng kể so với giai đoạn đỉnh dịch hồi tháng ba, cho phép các nước nới lỏng phong tỏa xã hội. Tuy nhiên, nhiều lãnh đạo châu Âu vẫn cảnh báo nguy cơ tái bùng phát Covid-19 nếu gỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp cách biệt cộng đồng một cách nhanh chóng.
Theo Phương Vũ (VnExpress.net)