Một nông dân Ấn Độ tuyệt vọng vì mất mùa. |
Tỉnh giấc vào ngày 14/5 vừa qua, anh Ramnariam Barma hạ quyết tâm sẽ chấm dứt cuộc đời mình. Đây là quyết định mà Barma đã băn khoăn từ rất lâu và việc Chính phủ từ chối hỗ trợ cho anh sau vụ mùa thất bại vừa rồi giống như “giọt nước tràn ly” khiến anh dứt khoát.
“Chúng tôi chẳng có nguồn thu nào suốt 4 năm qua do hạn hán. Vụ đông vừa rồi mưa lớn và mưa đá cũng khiến chúng tôi chẳng thu hoạch được gì. Tôi đã vay ngân hàng 140.000 rupee (2.200 USD) và 130.000 rupee từ những kẻ cho vay lãi nặng để mua hạt giống và làm của hồi môn cho con gái lớn. Đến giờ tôi không có khả năng trả nợ nữa” – anh Barma cho hay.
Với suy nghĩ như vậy, Barma mang theo một sợi dây thừng, nói dối vợ đi thả trâu nhưng thực tế lại tới một trạm điện cao thế ở gần nhà. Khi thấy anh đã thắt thòng lọng qua cổ, một số người dân chạy tới can ngăn, khuyên anh nghĩ đến 6 đứa con nhỏ. Cảnh sát cũng nhanh chóng đến nơi nên Barma đã không thể thực hiện được ý đồ của mình.
Ngay khi biết được Barma có ý định tự tử, những kẻ cho vay lãi nặng liền gia tăng áp lực buộc anh phải trả nợ.
“Một ngày nào đó họ sẽ không chỉ dùng lời nói mà sẽ tra tấn tôi. Nhưng tôi chẳng biết lấy gì để trả vì mảnh đất của tôi có bán cũng không ai mua. Chính phủ hứa sẽ hỗ trợ cho tôi 9.000 rupee (140 USD) nhưng số tiền đó chẳng đủ để mua lương thực hay đóng học phí cho những đứa trẻ” – người đàn ông đi chân trần, mặc đồ rách nát cho hay. Ngồi bên cạnh anh là đứa con út mới 18 tháng suy dinh dưỡng nặng và người mẹ già cũng còm cõi không kém.
Câu chuyện của Barma vốn không còn xa lạ ở ngôi làng nhỏ Tendura thuộc bang Uttar Pradesh. Trong 5 tháng đầu tiên của năm 2015, nhiều người dân ở đây đã tự tử. Người ta cho rằng con số này sẽ tiếp tục tăng vì mùa màng năm nay rất tệ do hạn hán có xu hướng trầm trọng hơn 4 năm qua.
“Hầu hết người dân đều nợ ngập đầu và không có khả năng trả nợ. Sự bế tắc chính là nguyên nhân khiến chỉ từ tháng 3 đến tháng 5 đã có 65 người ở huyện Banda tự tử” – ông Raja Bhaiya, Giám đốc Vidya Dham Samiti, tổ chức do ActionAid tài trợ cho biết.
Uttar Pradesh cũng không phải là bang duy nhất tại Ấn Độ chứng kiến những cảnh tượng đau lòng trên. Tự tử đã trở thành một “đại dịch” chết chóc tại Ấn Độ kể từ khi nước này tự do hóa lĩnh vực nông nghiệp từ những năm 1990. Theo các số liệu thống kê chính thức, kể từ năm 1995 đến nay đã có hơn 300.000 nông dân ở nước này tự tử và năm 2015 đang trở thành năm tồi tệ nhất trong 2 thập kỷ qua.
“Số ca tự tử đã tăng gấp đôi ở hầu hết các thị trấn trong bang. Một số nơi thậm chí còn gấp 3” – ông K. S. Singh Yadar, Giám đốc Sở Y tế thành phố Lalitpur cho hay. Một số chuyên gia dự báo số nông dân tự vẫn tại Ấn Độ trong năm nay sẽ lên đến 20.000 người.
Việc Chính phủ Ấn Độ thực hiện chính sách hỗ trợ 700.000 rupee (10.700 USD) cho những gia đình có nông dân tự tử với mong muốn chấm dứt được cuộc khủng hoảng tự tử ở nước này trên thực tế lại bị nhiều người cho là một việc khuyến khích người nông dân tự kết liễu mạng sống của mình.
Boothe Prajapati được cho là một trường hợp điển hình. Ông được con trai phát hiện đã treo cổ tự tử ở cánh đồng của gia đình hồi tháng 3 năm ngoái. Người nông dân này đã 60 tuổi và luôn nghĩ rằng khoản tiền hỗ trợ sau khi ông chết đi là cách duy nhất để gia đình gồm 28 thành viên của ông có thể sống sót sau những vụ mùa thất bát liên miên.
Theo Minh Ngọc (Pháp Luật Việt Nam)