Vaccine chống Covid-19 của Nga được đặt tên là "Sputnik V", theo tên vệ tinh đầu tiên trên thế giới "Sputnik 1" được Liên Xô phóng lên vũ trụ năm 1957, ông Kirill Dmitriev, chủ tịch quỹ tài sản có chủ quyền RDIF của nước này, cho biết hôm nay. Cái tên còn mang ý nghĩa nhấn mạnh thành công của Nga khi trở thành nước đầu tiên điều chế được vaccine cho đại dịch đang diễn ra.
Ông Dmitriev thêm rằng nước này đã được đặt hàng sản xuất 1 tỷ liều vaccine và dự kiến nó sẽ được sản xuất tại Brazil, khu vực Mỹ Latinh vào tháng 11. Các thử nghiệm lâm sàng dự kiến sớm bắt đầu tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất và Philippines.
"Chúng tôi đã đạt các thỏa thuận quốc tế để sản xuất 500 triệu liều mỗi năm và dự định tăng thêm", ông nói.
Dmitriev bác bỏ cáo buộc tin tặc Nga nỗ lực đánh cắp các nghiên cứu vaccine và khẳng định Moskva công khai chia sẻ thông tin. Ông cũng bày tỏ tin tưởng rằng vaccine của Nga "vô cùng an toàn".
"Chính tôi đã thử nghiệm và không nhận thấy tác dụng phụ đáng kể nào", ông nói.
Trước đó cùng ngày, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố Nga đã phát triển loại vaccine đầu tiên cung cấp khả năng "miễn dịch vững vàng" chống Covid-19 sau chưa đầy 2 tháng thử nghiệm trên người. Putin gửi lời cảm ơn tới tất cả những người đã nghiên cứu ra vaccine và mô tả đây là "bước tiến rất quan trọng đối với thế giới".
Thứ trưởng Y tế Nga Oleg Gridnev cho biết vaccine này được Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ và Vi sinh Quốc gia Gamaleya và Bộ Quốc phòng Nga phát triển. Những người thuộc "nhóm nguy cơ", như nhân viên y tế, dự kiến được tiêm vaccine trong tháng này.
Tổng thống Putin xem mục tiêu tìm ra vaccine Covid-19 là ưu tiên hàng đầu, trong bối cảnh Nga là vùng dịch lớn thứ tư thế giới với hơn 897.000 ca nhiễm và hơn 15.000 ca tử vong. Tuy nhiên, các nhà khoa học phương Tây bày tỏ lo ngại về tốc độ phát triển vaccine của Nga, nghi ngờ giới nghiên cứu nước này có thể đã "đốt cháy giai đoạn" dưới áp lực từ chính quyền.
Phát ngôn viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tarik Jasarevic cho biết đang thảo luận với giới chức Nga về vaccine mới.
"Chúng tôi đang liên lạc chặt chẽ với giới chức y tế Nga và tiến hành các cuộc thảo luận liên quan tới khả năng WHO sơ tuyển vaccine của họ. Việc sơ tuyển bất cứ loại vaccine nào cũng bao gồm quá trình xem xét và đánh giá nghiêm ngặt tất cả dữ liệu an toàn và hiệu quả cần có", ông Jasarevic phát biểu tại một cuộc họp của Liên Hợp Quốc ở Geneva, Thuỵ Sĩ.
Theo Anh Ngọc - Ánh Ngọc (VnExpress.net)