Thế giới ghi nhận 113.053.765 ca nhiễm nCoV, trong đó 2.506.006 người đã chết, tăng lần lượt 433.719 và 11.382 ca, trong khi 88.657.562 người bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers. Tình hình dịch bệnh tại nhiều nước đang có dấu hiệu tích cực. Tính đến 19/2, có 112 nước báo cáo số ca nhiễm giảm, trong khi 62 nước ghi nhận số ca tăng. Số nước bắt đầu chương trình tiêm chủng cũng đang tăng dần.
Malaysia báo cáo 291.774 ca nhiễm và 1.088 ca tử vong, tăng lần lượt 3.545 và 12. Thủ tướng Muhyiddin Yassin hôm qua được tiêm mũi vaccine đầu tiên của Pfizer-BioNTech, khởi động chương trình tiêm chủng Covid-19 tại nước này. Tiếp theo ông là Bộ trưởng Y tế Noor Hisham Abdullah cùng các y bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch.
Phát biểu sau khi tiêm, Thủ tướng Muhyiddin bày tỏ tự tin về vaccine, nói rằng ông hầu như không cảm thấy bất kỳ đau đớn nào. "Vì thế, tôi kêu gọi tất cả người dân Malaysia và những người đang sống ở Malaysia, những người mà chúng tôi đã quyết định sẽ được tiêm chủng miễn phí, hãy đến và đăng ký tiêm vaccine Covid-19", ông nói. Thủ tướng Malaysia dự kiến nhận mũi vaccine thứ hay vào ngày 17/3.
Chương trình tiêm chủng Covid-19 của Malaysia được triển khai sớm hai ngày so với kế hoạch sau khi họ nhận được 312.390 liều vaccine Pfizer-BioNtech hôm 21/2. Chương trình được chia làm ba giai đoạn, bắt đầu với các nhân viên làm việc trên tuyến đầu chống dịch, được triển khai từ tháng 2 đến tháng 4.
Giai đoạn hai, từ tháng 4 đến tháng 8, dành cho những người trên 65 tuổi và các nhóm nguy cơ cao khác, trong khi giai đoạn ba, từ tháng 5 đến tháng 2/2022, nhắm đến nhóm dân số trưởng thành trên 18 tuổi.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận 28.963.427 ca nhiễm và 517.151 ca tử vong, tăng lần lượt 64.103 và 2.118 trong 24 giờ qua.
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 23/2 gợi ý rằng Nhà Trắng sẽ gửi trực tiếp khẩu trang tới người dân trong bối cảnh đại dịch vẫn diễn biến phức tạp. Đây là phương án từng được các quan chức y tế đề xuất dưới chính quyền Donald Trump nhưng bị cựu tổng thống chăn lại.
Theo Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia dịch tễ hàng đầu Mỹ, người dân vẫn cần phải đeo khẩu trang tới năm sau, ngay cả khi tình hình Covid-19 ở nước này có thể đạt "mức độ bình thường đáng kể" vào cuối năm nay. Tuy nhiên, Fauci cho biết thêm các biện pháp hạn chế nhằm ngăn đại dịch có thể ngày càng được nới lỏng khi có thêm nhiều loại vaccine hơn.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ lưu ý đeo khẩu trang là biện pháp rất quan trọng để làm chậm sự lây lan của nCoV, thêm rằng khẩu trang có thể bảo vệ cả người đeo và những người xung quanh họ khỏi nguy cơ nhiễm virus.
Mỹ báo cáo số ca nhiễm mới nCoV đã giảm 5 tuần liên tiếp, song mức giảm này chưa hẳn phản ánh đúng thực tế, vì thời tiết mùa đông khắc nghiệt đã buộc các quan chức phải đóng cửa các trạm xét nghiệm, ảnh hưởng đến việc thu thập dữ liệu quan trọng.
Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, báo cáo thêm 17.106 ca nhiễm và 144 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết vì nCoV lên lần lượt 11.046.432 và 156.742.
New Delhi ngày 24/2 thông báo mở rộng chương trình tiêm chủng Covid-19 song cảnh báo rằng việc vi phạm các giao thức chống dịch có thể làm trầm trọng thêm tình trạng lây nhiễm ở nhiều bang.
Gần một tháng sau khi Bộ Y tế tuyên bố Covid-19 đã được kiểm soát, các bang như Maharashtra ở phía tây hay Kerala ở phía nam vẫn báo cáo số ca nhiễm tăng mạnh. Người dân ngày càng không muốn đeo khẩu trang và giữ khoảng cách xã hội.
"Mọi sự lơ là trong việc thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt nhằm ngăn virus lây lan, đặc biệt đối với những chủng virus mới... đều có thể làm tình hình thêm phức tạp", Bộ Y tế Ấn Độ cho biết, chỉ ra 9 bang đang có dấu hiệu tuân thủ lỏng lẻo.
Brazil, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, ghi nhận thêm 1.311 người chết, nâng tổng số ca tử vong lên 249.957. Số ca nhiễm nCoV tăng 63.842 trong 24 giờ qua, lên 10.324.463.
Chính quyền Brazil đang hứng chỉ trích vì triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 chậm chạp và hỗn loạn. Một tháng sau khi triển khai, Brazil mới tiêm cho khoảng 6,2 triệu người trong 212 triệu dân.
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro kiên quyết không tiêm vaccine và bị cáo buộc "dẫn đầu chiến dịch chống tiêm chủng", bất chấp việc quốc gia này là nơi bắt nguồn một biến chủng nCoV mới dễ lây lan hơn.
Pháp, vùng dịch lớn thứ sáu thế giới, ghi nhận thêm 31.519 ca nhiễm và 277 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 3.661.410 và 85.321.
Bộ Y tế cho biết số người nhập viện vì Covid-19 cũng như số bệnh nhân điều trị tại các khoa hồi sức tích cực tăng ngày thứ hai liên tiếp, với 25.831 người đang nhập viện và 3.407 người đang được chăm sóc tích cực.
Hơn 3,3 triệu người Pháp đã tiêm vaccine Covid-19. Bộ Y tế yêu cầu cơ quan y tế khu vực và các bệnh viện "kích hoạt chế độ khủng hoảng" từ ngày 18/2, để chuẩn bị cho đợt gia tăng ca nhiễm do biến chủng virus dễ lây lan hơn. Chế độ này đòi hỏi tăng số giường bệnh hiện có, trì hoãn phẫu thuật không khẩn cấp và huy động mọi nhân sự y tế.
Đức, vùng dịch lớn thứ mười thế giới, hiện ghi nhận 2.416.029 ca nhiễm và 69.610 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 10.766 và 396 trường hợp so với một ngày trước đó.
Các chuyên gia cảnh báo Đức có thể đối mặt làn sóng lây nhiễm Covid-19 lần ba do các biển chủng nCoV. Bất chấp các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt, số ca nhiễm mới hàng ngày ở Đức gần như không giảm trong thời gian gần đây. Chuyên gia lo ngại điều này là do xuất hiện nhiều biến chủng virus dễ lây lan hơn.
Các trường học tại 10 bang của Đức sẽ mở cửa trở lại vào ngày 22/2, làm dấy lên cuộc tranh luận về việc liệu giáo viên và những người hoạt động trong ngành giáo dục có được ưu tiên tiêm chủng hay không. Thủ tướng Đức Angela Merkel và các quan chức liên bang trong cuộc họp gần đây đã yêu cầu Bộ Y tế kiểm tra liệu những người làm trong ngành giáo dục có thể được đưa vào danh sách ưu tiên tiêm vaccine hay không.
Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 1.306.141 ca nhiễm, tăng 7.533, trong đó 35.254 người chết, tăng 240. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định số ca nhiễm trên thực tế tại Indonesia có thể cao gấp ba lần.
Indonesia đã triển khai chương trình tiêm chủng vaccine kể từ tháng 1, song nhiều nhóm địa phương đã từ chối tiêm, làm tăng thêm thách thức với chương trình tiêm chủng của chính phủ. Một nghiên cứu mới nhất chỉ ra rằng với tốc độ tiêm vaccine hiện tại, Indonesia sẽ mất hơn 10 năm để hoàn thành kế hoạch tiêm chủng.
Nước này hôm 17/2 đã khởi động chiến dịch tiêm chủng đại trà thứ hai, tập trung vào những người tiếp xúc nhiều với công chúng như người buôn bán ở chợ, giáo viên, cảnh sát, công chức và người trên 60 tuổi. Giai đoạn tiêm chủng đại trà đầu tiên ở Indonesia trước đó tập trung vào nhân viên y tế.
Philippines, vùng dịch lớn thứ hai Đông Nam Á, ghi nhận 566.420 ca nhiễm và 12.129 ca tử vong, tăng lần lượt 1.557 và 22 ca.
Từ vị trí một trong những quốc gia phát triển nhanh nhất châu Á trước đại dịch, Philippines phải hứng chịu đợt suy giảm kinh tế tồi tệ nhất vào năm 2020, do lệnh phong tỏa nghiêm ngặt buộc các doanh nghiệp đóng cửa và đẩy hàng triệu người vào cảnh thất nghiệp.
Tổng thống Rodrigo Duterte tuần này sẽ đưa ra quyết định về việc liệu có tiếp tục nới lỏng các biện pháp hạn chế ngăn Covid-19 ở thủ đô Manila, để cho phép nhiều hoạt động kinh tế hơn hay không.
Theo Vũ Hoàng (VnExpress.net)