213 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận 10.066.201 ca nhiễm và 500.545 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 183.517 và 4.940 trong 24 giờ qua. 5.451.616 người đã bình phục.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, báo cáo 2.593.641 ca nhiễm và 128.137 ca tử vong, tăng lần lượt 46.276 và 776 ca trong 24 giờ.
Nhiều bang của Mỹ phải hoãn hoặc đảo ngược kế hoạch mở cửa do số ca nhiễm mới tăng mạnh, trong đó có Florida, Texas, Arizona, Arkansas, Delaware, Idaho, Louisiana, Maine, Nevada, New Mexico, Bắc Carolina.
Thống đốc Texas Greg Abbott ngày 26/6 ra lệnh đóng cửa toàn bộ quán bar trong bang và yêu cầu các nhà hàng giảm 50% chỗ ngồi. Bang Florida yêu cầu các quán bar dừng phục vụ đồ uống có cồn. Thành phố Anchorage, bang Alaska, yêu cầu dân chúng đeo khẩu trang nơi công cộng và trong các không gian kín.
Anthony Fauci, chuyên gia dịch tễ học hàng đầu của Nhà Trắng, ngày 26/6 thừa nhận chiến lược xét nghiệm hiện nay của Mỹ vẫn còn bỏ sót các ca nhiễm không triệu chứng trong cộng đồng. Tiến sĩ Fauci cho biết giới chức có thể áp dụng phương pháp xét nghiệm gộp giống thành phố Vũ Hán của Trung Quốc.
Brazil, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, thông báo thêm 38.693 ca nhiễm và 1.109 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 1.313.667 và 57.070. Giới chuyên gia lo ngại số người chết vì nCoV tại Brazil trên thực tế có thể cao hơn báo cáo của chính phủ.
Nhiều thống đốc và thị trưởng Brazil dỡ bỏ những hạn chế thương mại cùng các hoạt động kinh tế khác do áp lực từ Tổng thống Jair Bolsonaro lẫn sự chán nản của dân chúng sau nhiều tháng thực hiện cách biệt cộng đồng. Các chuyên gia y tế cảnh báo việc nới lỏng hạn chế quá sớm có nguy cơ làm tăng tốc độ lây nhiễm và khiến thêm nhiều người chết.
Các quốc gia Mỹ Latinh khác cũng đang chật vật đối với với đại dịch. Chile đang là vùng dịch lớn thứ tám thế giới với 267.776 ca nhiễm và 5.347 ca tử vong, tăng lần lượt 4.406 và 279 so với hôm trước. Chỉ cửa hàng bán nhu yếu phẩm được phép hoạt động, trường học, nhà hàng, quán bar vẫn đóng cửa.
Mexico đứng thứ 11 với 208.392 ca nhiễm và 25.779 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm lần lượt 5.411 và 719 ca. Thủ đô Mexico City buộc phải hoãn các kế hoạch mở cửa lại nền kinh tế, trong khi giới chức y tế cảnh báo số ca nhiễm có nguy cơ tiếp tục tăng khi quá trình làm phẳng đường cong đang chững lại.
Nga, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, ghi nhận thêm 188 ca tử vong, nâng tổng số người chết lên 8.969. Số ca nhiễm tăng 6.852, lên 627.646, đánh dấu ngày thứ hai liên tiếp số ca nhiễm tại Nga dưới 7.000. Nga thông báo đã kiểm soát được đại dịch, song đã sẵn sàng phương án đối phó đợt bùng phát thứ hai có thể diễn ra vào mùa thu.
Anh báo cáo thêm 890 ca nhiễm và 100 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 310.250 và 43.514. Giới chức Anh đã giảm mức cảnh báo Covid-19 từ "đại dịch có nguy cơ lây nhiễm cao hoặc đang tăng theo cấp số nhân" xuống "dịch đang lây lan". Người nhập cảnh vào Anh từ các quốc gia có nguy cơ Covid-19 thấp sẽ không phải cách ly 14 ngày.
Thủ tướng Boris Johnson dự kiến cho phép quán rượu, khách sạn, nhà nghỉ, khu cắm trại, rạp chiếu phim, bảo tàng và phòng trưng bày mở cửa trở lại từ ngày 4/7. Quy định giãn cách hai mét ở nơi công cộng sẽ được giảm xuống còn một mét, trong khi tất cả trường học dự kiến mở cửa lại vào tháng 9. Tuy nhiên, các câu lạc bộ đêm, phòng tập gym và bể bơi vẫn đóng cửa.
Tây Ban Nha ghi nhận thêm 564 ca nhiễm và 3 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 295.549 và 28.341. Tây Ban Nha chấm dứt tình trạng khẩn cấp từ 21/6, cho phép người từ các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) và khu vực Schengen nhập cảnh mà không phải cách ly hai tuần.
Dân chúng phải đeo khẩu trang tại nơi công cộng, cả trong nhà lẫn ngoài trời, nếu không giữ được khoảng cách 1,5 m. Chính quyền các địa phương sẽ quyết định số người tối đa có mặt cùng lúc tại bãi biển, bể bơi, nhà hát, trường học và quán ăn.
Italy ghi nhận thêm 175 ca nhiễm và 8 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 240.136 và 34.716. Toàn bộ cửa hàng, nhà hàng, quán bar được mở cửa, phương tiện giao thông công cộng đã hoạt động trở lại, song các trường học vẫn đóng cửa. Dân Italy được tự do di chuyển khắp đất nước.
Đức báo cáo thêm 140 ca nhiễm, nâng tổng số lên người nhiễm lên 194.539, số ca tử vong giữ nguyên ở mức 9.026. Đức mở cửa biên giới với các quốc gia trong khối EU từ 15/6 và sẽ duy trì các biện pháp cách biệt cộng đồng hết ngày mai. Tuy nhiên, các sự kiện lớn bị cấm tổ chức cho tới tháng 10.
Giới chức y tế Đức đang đối phó đợt bùng phát mới tại nhà máy chế biến thịt Rheda-Wiedenbruck ở quận Gueterloh, bang Bắc Rhine-Westphalia. Bang này đã tái áp đặt phong tỏa với Guetersloh và thị trấn lân cận Warendorf.
Tại Trung Đông, Iran ghi nhận thêm 2.456 ca nhiễm, nâng tổng số lên 220.180, trong đó 10.364 người chết, tăng 125 so với hôm trước.
Iran đã cho phép toàn bộ cửa hàng, nhà hàng, quán bar và phương tiện công cộng hoạt động, một số trường học vẫn đóng cửa. Chính quyền đang cân nhắc ra quy định bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi công cộng.
Arab Saudi ghi nhận thêm 3.927 ca nhiễm và 37 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 178.504 và 1.511. Lệnh giới nghiêm toàn quốc tại Arab Saudi chấm dứt từ 21/6 nhưng các cuộc hành hương tôn giáo và tụ tập hơn 50 người trở lên vẫn bị hạn chế. Giới chức có kế hoạch giới hạn số người được phép tham gia lễ hành hương Haji, dự kiến diễn ra vào cuối tháng 7, nhằm tránh nCoV lây lan.
Ấn Độ là vùng dịch lớn nhất châu Á và lớn thứ tư thế giới với 529.331 ca nhiễm và 16.103 ca tử vong, tăng lần lượt 19.885 và 414.
Dù số ca nhiễm mới hàng ngày vẫn tăng, Ấn Độ đã cho phép cửa hàng, nhà hàng, quán bar mở trở lại, các trường học tại khu vực nguy cơ cao bị đóng cho đến 30/6. Hệ thống y tế Ấn Độ còn đang chuẩn bị đối mặt với các dịch bệnh theo mùa như sốt xuất huyết và sốt rét, được cho là sẽ khiến việc xử lý Covid-19 trở nên khó khăn hơn.
Trung Quốc chưa công bố số liệu mới.
Bắc Kinh hôm 24/6 tuyên bố về cơ bản kiểm soát được ổ dịch bùng phát từ chợ Tân Phát Địa nhưng lo ngại về nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng vẫn tiếp diễn. Chính quyền thành phố phong tỏa khu chợ Tân Phát Địa và hàng chục khu dân cư bị coi là nguy cơ cao từ 13/6.
Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực. Quốc gia này ghi nhận thêm 1.385 ca nhiễm, mức tăng kỷ lục trong 24 giờ kể từ khi dịch bùng phát, nâng tổng số lên 52.812, trong đó 2.720 người chết, tăng 37. Indonesia đóng cửa trường học tới 13/7, các nhà hàng và quán bar bị dừng hoạt động, chỉ các cửa hàng bán đồ thiết yếu được mở lại.
Singapore ghi nhận 43.246 ca nhiễm, tăng 291, trong đó 26 người chết. Ca nhiễm ở Singapore chủ yếu là lao động nhập cư sống trong các ký túc xá.
Singapore đang dỡ bỏ hạn chế theo từng giai đoạn, các trường học hoạt động trở lại từ đầu tháng 6. Phòng tập gym, công viên, bãi biển và nhà hàng được mở cửa trở lại, song quán bar và nhà hát vẫn bị đóng cửa, các sự kiện tôn giáo hoặc sự kiện quy mô lớn bị cấm.
Việt Nam, Lào, Campuchia và Đông Timor là các nước trong khu vực chưa ghi nhận ca tử vong do nCoV.
Theo Nguyễn Tiến (VnExpress.net)