Theo số liệu thống kê của Worldometer, gồm nguồn dữ liệu từ các chính phủ, cho thấy hơn 1 triệu người đã tử vong vì Covid-19. Số liệu của Đại học John Hopkins hiện tại là 995.190.
Từ khi bùng phát vào cuối năm 2019, Covid-19 đã khiến 500.000 người tử vong trong vòng sáu tháng. Chỉ ba tháng sau, con số này đã tăng gấp đôi.
Dịch bệnh hiện đã lây lan tại 210 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng số ca nhiễm lên tới 32 triệu.
Tuy vậy, giới chuyên gia cho rằng số ca nhiễm và tử vong vì căn bệnh có thể còn cao hơn nhiều, do một số nơi vẫn chưa triển khai xét nghiệm diện rộng và báo cáo chính xác số liệu.
Các nước châu Âu từng là tâm dịch trong giai đoạn đầu hiện đang phải đối mặt với làn sóng dịch bệnh thứ hai, trong bối cảnh mùa Đông đang tới gần. Để đối phó với tình trạng này, một số nước đang xem xét thặt chặt các biện pháp giới hạn phòng chống dịch bây, gây ra lo ngại về ảnh hưởng kinh tế.
Mỹ vẫn là vùng dịch lớn nhất thế giới với 7 triệu ca nhiễm và hơn 200.000 trường hợp tử vong, xếp sau lần lượt là Ấn Độ (6 triệu ca nhiễm, hơn 95.000 người tử vong), Brazil (4,7 triệu ca nhiễm, hơn 141.000 người chết), Nga (hơn 1,1 triệu ca nhiễm, hơn 20.000 người tử vong).
Tổ chức Tiền tệ Thế giới (IMF) hồi tháng 04 gọi suy thoái kinh tế toàn cầu là "khủng hoảng chưa từng có tiền lệ". Tuy vậy, bất chấp việc kinh tế có dấu hiệu suy thoái, giới chuyên gia vẫn lạc quan về khả năng hồi phục, được thể hiện tại các khu vực đã dỡ bỏ phong tỏa.
Tuy vậy, IMF hôm 24/09 vẫn cảnh báo quá trình hồi phục sẽ mất nhiều thời gian hơn dự kiến, và một số nước có thể sẽ mất vài năm để phục hồi tăng trưởng trước khủng hoảng.
Giới khoa học đánh giá khả năng phòng chống dịch bệnh đã được nâng cao tại nhiều nơi. Bộ gene của virus đã sớm được giải mã, tạo điều kiện đẩy nhanh tốc độ triển khai công tác xét nghiệm và chế tạo vaccine.
Đan Anh (Nguoiduatin.vn)