Đây là lần thứ 2 ông John Kerry đến Việt Nam trên cương vị Ngoại trưởng Mỹ, kể từ chuyến thăm vào tháng 12/2013.
Ông Kerry trò chuyện với các sinh viên trước khi đọc một bài phát biểu tại xã Tân An Tây, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau năm 2013. Ảnh: state.gov |
Bên lề diễn đàn ARF, ông Kerry đã có cuộc gặp với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị. Ngoại trưởng Mỹ lặp lại quan điểm của Washington là Bắc Kinh cần chấm dứt ngay những hành động khiến căng thẳng trên Biển Đông leo thang.
Tại Hà Nội, theo lịch trình dự kiến, Ngoại trưởng Mỹ sẽ gặp lãnh đạo Việt Nam, gồm Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. Ông Kerry cũng sẽ tham dự lễ kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Mỹ và có bài phát biểu "Hoa Kỳ - Việt Nam hướng tới tương lai".
Vị ngoại trưởng tích cực ủng hộ quan hệ Việt - Mỹ
Trước khi giữ chức ngoại trưởng trong chính phủ nhiệm kỳ 2 của Tổng thống Barack Obama, ông Kerry là một thượng nghị sĩ tích cực trong việc bình thường hóa và củng cố quan hệ Việt - Mỹ.
Ông Kerry từng giam gia chiến tranh ở Việt Nam sau khi tốt nghiệp Đại học Yale vào năm 1966. Sau khi trở về Mỹ, ông tham gia nhóm Cựu chiến binh Việt Nam phản đối chiến tranh, một trong những tổ chức theo tinh thần phản chiến nổi bật ở Mỹ thời bấy giờ.
Vào năm 1971, ông ra điều trần trước Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ để kiến nghị chấm dứt cuộc chiến ở Việt Nam. Tờ Los Angeles Times nhận định, bài phát biểu của ông gây ấn tượng mạnh vào thời đó, trở thành bệ phóng mở rộng cửa cho tương lai chính trị của Kerry. Còn tờ The Boston cho biết, Tổng thống Richard Nixon thừa nhận diễn văn của ông Kerry "vô cùng hiệu quả".
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đón Bộ trưởng Ngoại giao John Kerry, chiều 16/12/2013, tại Hà Nội. Ảnh: TTXVN |
Trong giai đoạn 1991 - 1993, ông Kerry giữ chức chủ tịch một ủy ban tại Thượng viện phụ trách vấn đề về tù binh chiến tranh và binh sĩ mất tích tại Việt Nam. Năm 1994, Thượng viện Mỹ thông qua một nghị quyết mà ông Kerry và Thượng nghị sĩ John McCain đều ủng hộ mạnh mẽ để dỡ bỏ cấm vận đối với Việt Nam. Đây là một cột mốc đáng kể trong quá trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.
Năm 1995, Tổng thống Bill Clinton thính thức tuyên bố bình thường quan hệ với Việt Nam. Các ông Kerry và McCain, tuy thuộc hai đảng đối lập, cùng xuất hiện bên cạnh Tổng thống Clinton trong khoảnh khắc lịch sử của quan hệ Việt - Mỹ.
Trong lần trở lại Việt Nam đầu tiên trên cương vị Ngoại trưởng Mỹ vào năm 2013, ông Kerry bày tỏ ngạc nhiên khi "thấy Việt Nam hiện đại đã thay đổi đáng kể chỉ trong 20 năm". "Đây không phải ngẫu nhiên, mà có sự cam kết và tầm nhìn của rất nhiều người", ông nói. Sau 20 năm, ông Kerry cho biết kim ngạch thương mại song phương đã tăng 50 lần.
Khi nói về Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam và Mỹ là các nước tham gia đàm phán, ông Kerry cho rằng đây là “ngưỡng cửa của một thay đổi sẽ mở thêm nhiều cánh cửa cơ hội hơn cho hai nước, giúp cho cho quan hệ đối tác thêm mạnh mẽ.
Mới đây, vào ngày 4/8/2015, Ngoại trưởng Kerry cho biết các cuộc đàm phán TPP đã có “những tiến bộ tốt đẹp” để hướng tới thỏa thuận chung, dù vẫn còn một số vấn đề cần giải quyết.