Cuộc họp khẩn, được tổ chức trực tuyến, sẽ là họp kín, theo lịch trình. Các thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã nhất trí tổ chức phiên họp này vào ngày 01/02.
Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc về Myanmar Christine Schraner Burgener sẽ có báo cáo trước Hội đồng về các diễn biến mới nhất ở nước này.
Quân đội Myanmar lên nắm quyền sau một cuộc đảo chính không đổ máu vào ngày 01/02, bắt giữ Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và nhiều quan chức cấp cao khác, làm dấy lên làn sóng phản đối trên thế giới.
Anh, nước chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong tháng 02/2021, trước đó đã lên lịch cho một cuộc họp về vấn đề Myanmar trong tuần này, tuy vậy đã phải đổi lịch lên sớm hơn dự kiến do vụ việc.
Barbara Woodward, đại sứ của Anh tại Liên Hợp Quốc, nói với các phóng viên rằng bà hy vọng sẽ có "một cuộc thảo luận có tính chất xây dựng nhất có thể về Myanmar và xem xét một số biện pháp, với chủ trương tôn trọng nguyện vọng của người dân được thể hiện bằng lá phiếu và trả tự do cho các lãnh đạo xã hội dân sự".
"Chúng tôi muốn xem xét các biện pháp sẽ giúp chúng tôi đạt được những mục đích đó," bà Woodward nói, tuy vậy không nêu cụ thể các biện pháp sẽ bao gồm những gì.
Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi thắng lớn trong cuộc bầu cử hồi tháng 11, tuy vậy quân đội Myanmar cáo buộc gian lận bầu cử đã xảy ra.
Trước đó vào sáng 01/02, quân đội Myanmar bắt giữ bà Suu Kyi, tổng thống Win Myint và một số quan chức cao cấp của đảng NLD, đồng thời ban hành tình trạng khẩn cấp trong một năm.
Trong cuộc họp báo hàng ngày hôm 02/02, phát ngôn viên Liên hợp Quốc Stephane Dujarric cho biết "Điều quan trọng là cộng đồng quốc tế thống nhất tiếng nói".
Đan Anh (Nguoiduatin.vn)