Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc đã nhất trí đề cử cựu thủ tướng Bồ Đào Nha, ông Antonio Guterres trở thành Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc kế nhiệm ông Ban Ki-moon.
|
Ông Antonio Guterres từng là lãnh đạo Cao ủy tị nạn Liên Hiệp Quốc |
Theo Reuters ngày 7.10, Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc ngày 6.10 đã nhất trí đề cử cựu thủ tướng Bồ Đào Nha, ông Antonio Guterres trở thành người kế nhiệm ông Ban Ki-moon trên cương vị Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc.
Để chính thức trở thành tân tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, ông Guterres phải được Đại hội đồng thông qua. Dự kiến, Đại hội đồng gồm 193 nước thành viên sẽ họp vào tuần tới, nhưng sau khi được Hội đồng bảo an đề cử thì chắc chắn ứng cử viên sẽ được Đại hội đồng thông qua.
Phát biểu trong chuyến thăm Rome (Ý), ông Ban Ki-moon nói rằng ông Guterres là lựa chọn tuyệt vời cho vị trí kế nhiệm mình. Ông Ban nhấn mạnh: "Tôi chắc chắn ông ấy sẽ đi đầu để giải quyết nhưng thách thức chính, từ việc tăng cường hòa bình tới việc đạt tới sự phát triển bền vững, tôn trọng nhân quyền và giảm bớt những nỗi khổ đau".
Đại diện các nước thường trực Hội đồng bảo an đều đánh giá cao ông Guterres. Sau cuộc họp kín ngày 6.10, ông Vitaly Churkin, đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc đồng thời là chủ tịch hội đồng trong tháng 10 nói rằng ông Guterres là một chính trị gia cấp cao, với kinh nghiệm là lãnh đạo Cao ủy tị nạn Liên Hiệp Quốc đã đi nhiều nơi trên thế giới và nhìn thấy những mâu thuẫn cần giải quyết.
Các đại sứ Anh, Pháp, Mỹ cũng cho rằng ông Guterres là lựa chọn đúng đắn và tuyệt vời cho vị trí kế nhiệm ông Ban Ki-moon.
|
Ông Ban Ki-moon sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào ngày 31.12.2016 |
Ông Ban sẽ chính thức hết nhiệm kỳ thứ hai của mình vào ngày 31.12.2016, sau 10 năm giữ ghế Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc. Sau khi được Đại hội đồng thông qua, ông Guterres sẽ đảm nhận vị trí này trong nhiệm kỳ kéo dài 5 năm, bắt đầu từ ngày 1.1.2017.
Ông Guterres, 67 tuổi từng là thủ tướng Bồ Đào Nha từ năm 1995 đến 2002. Ông cũng từng là lãnh đạo Cao ủy tị nạn Liên Hiệp Quốc trong suốt 10 năm (2005-2015). Suốt thời gian đó, ông góp phần quan trọng giải quyết những cuộc khủng hoảng tị nạn tồi tệ nhất trong lịch sử thế giới, bao gồm ở Syria, Afghanistan và Iraq.
Theo Ngọc Mai (Thanh Niên Online)