Trong bức ảnh, các học viên Hải quân Việt Nam đã xếp hình số 25, biểu trưng cho kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc tại chính sàn đáp trực thăng của chiếc khu trục hạm 5.000 tấn lớp Chungmugong Yi Sun-sin.
Theo các chuyên gia, việc Việt Nam cử học viên hải quân sang học tập trên những lớp chiến hạm tối tân của Hàn Quốc là chỉ dấu đáng lưu ý.
Thời gian gần đây, tàu mặt nước và tàu ngầm do Hàn Quốc chế tạo đã trở thành mặt hàng bán chạy tại khu vực Đông Nam Á. Tàu chiến Hàn Quốc có các lợi thế như giá cả phải chăng, tính năng tiên tiến, thời gian bàn giao nhanh và đặc biệt, họ sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật để giúp nước chủ nhà chế tạo tại chỗ.
Hải quân Hoàng gia Thái Lan vừa tiếp nhận khinh hạm DW-3000F đầu tiên do Hàn Quốc thi công.
Ngoài ra, thương vụ giữa hai bên còn có thêm điều khoản Daewoo Shipbuilding & Marine Engineering (DSME) sẽ chuyển giao công nghệ để Thái Lan tự chế tạo chiếc thứ hai trong nước.
Trong năm 2016, Hải quân Philippines cũng công bố kế hoạch đặt mua 2 khinh hạm đa năng lớp Incheon (HDF-3000) do Tập đoàn Hyundai Heavy Industries (HHI) đóng mới.
Một cường quốc quân sự khác tại khu vực Đông Nam Á là Indonesia lại đặt niềm tin vào tàu ngầm Type 209 do DSME chế tạo, ngoài 2 tàu đầu tiên đóng tại Hàn Quốc, Indonesia sẽ tự đóng mới chiếc thứ ba theo công nghệ được chuyển giao.
Theo đà tiến lên hiện đại và thực hiện chủ trương đa dạng hóa vũ khí, khí tài, trang thiết bị quân sự, Hải quân Việt Nam rất cần những chiến hạm cỡ lớn có lượng giãn nước từ 2.000 đến 3.000 tấn.
Từ trước tới nay chúng ta vẫn đặt mua tàu chiến do Nga chế tạo, nhưng những chiến hạm cỡ 2.000 tấn thường phải thi công trong thời gian 3 - 5 năm.
Sự quan tâm tàu chiến Hàn Quốc có thể xem như hướng đi mới đầy triển vọng, trung bình một con tàu 3.000 tấn phía Seoul chỉ đóng trong vòng hơn 1 năm là bàn giao, đây là lợi thế cực lớn, chưa kể phần công nghệ hỗ trợ thêm.
Bên cạnh đó, lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam cũng đã được Mỹ dỡ bỏ, Việt Nam có thể tiếp cận những chủng loại đặc biệt như bệ phóng thẳng đứng Mk 41 cùng tên lửa phòng không tầm trung RIM-162 ESSM, hay ngư lôi chống ngầm hạng nhẹ Mk 46, hoặc tên lửa phòng không tầm ngắn RIM-166 Rolling Airframe mà các tàu chiến Hàn Quốc đóng thường sử dụng.
Hiện Hàn Quốc cũng đã có cơ sở đóng tàu tại Việt Nam, đó chính là công ty liên doanh Hyundai Vinashin, được xem là một thuận lợi nếu tiếp cận công nghệ tối tân từ phía đối tác.
Theo Tùng Dương (Đất Việt)